ÐỒNG CHIÊM NGÀY HÔM NAY


Tin Hà Nội - Sau vụ Công an đàn áp giáo dân Ðồng Chiêm mà đài SB-TN đã loan tin cùng với quý vị ngày hôm qua, một số người đã từ Hà Nội vào Ðồng Chiêm để tìm hiểu tình hình. Theo tin tức được phổ biến, đường từ Hà Nội vào Ðồng Chiêm, bắt đầu từ ngã bã Ba La rẽ trái xuất hiện nhiều trạm công an giao thông hơn thường lệ, nhất là sau biến cố Thánh Giá Ðồng Chiêm bị phá bỏ. Ðêm hôm trước các giáo dân Thái Hà vào Ðồng Chiêm thăm những người bị đánh, đã bị những trạm công an này chặn xe hạch sách giấy tờ từ bằng lái xe, giấy tờ tuỳ thân. Hôm nay cũng vậy, khi được hỏi tại sao thì các Công an chỉ trả lời là lệnh bên trên đã ban chỉ biết thi hành và vì bên trong đang có mất trật tự an ninh.

Con đường gần tới nhà thờ Ðồng Chiêm bị chặn bằng một đống đất vô lý, chả biết để làm gì, xe phải rẽ sang đường khác đi rất vòng vèo mới tới nơi. Dưới chân núi thiêng nơi cây thánh giá từng ngự, người dân Ðồng Chiêm đã lập bàn thờ để ghi nhớ ngày đau thương vừa qua. Trên đỉnh núi một cây thánh giá đã được dựng lại, khung bằng tre có những bóng đèn điện để tối bật sáng. Nhưng xã An Phú đã cắt điện cả mấy thôn xung quanh. Trưa hôm nay, 5 người tham gia dựng thánh giá bị mời lên huyện. Ðến 5 giờ chiều vẫn chưa thấy được về. Những người này gồm ông Ðinh văn Kiểm, Ðinh Văn Lợi, Bạch Văn Sự, Bạch Văn Quỳnh và Bạch Văn Nhiệm. Người ta không hiểu tại sao, một cây Thánh Giá trên nghĩa địa của giáo dân ở một vùng xa xôi hẻo lánh, sống ngâm da chết ngâm xương như ở Ðồng Chiêm lại được nhà cầm quyền Hà Nội quan tâm đến thế.

Không riêng gì những người Việt Nam, các ký giả của hãng thông tấn Pháp tới Ðồng Chiêm cũng bị Công an ngăn cấm sau việc triệt hạ Thánh Giá trên núi. Hãng thông tấn AFP cho hay các phóng viên của họ đã bị công an ngăn chận trong lúc tìm cách đến Giáo xứ Ðồng Chiêm ở quận Mỹ Ðức. Các viên chức công an di trú mặc thường phục nói rằng không ai được phép vào khu vực mà họ nói là đã xảy ra một vụ tranh chấp đất đai. Theo lời Linh mục Nguyễn Văn Hữu, chánh xứ Ðồng Chiêm, và thông báo ngày 7 tháng 1 của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, vụ rối loạn bùng ra khoảng 2 giờ sáng ngày 6 tháng 1 khi giáo dân tìm cách ngăn không cho hàng trăm người thuộc các lực lượng vũ trang của chính quyền triệt hạ và đập phá Thánh Giá bằng bê tông trên Núi Chẽ. Linh mục Nguyễn Văn Hữu cho biết trong số giáo dân bị thương có hai người bị thương nặng vẫn còn nằm bệnh viện để điều trị. Vị linh mục này nói thêm rằng Thánh Giá bằng bê tông được dựng lên hồi năm ngoái để thay cho Thánh Gía bằng gỗ đã bị hư haị nhiều năm trước trong thời chiến tranh. Nhà cầm quyền địa phương cho rằng Thánh Giá này dựng lên trái phép trên đất do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, Linh mục Nguyễn Văn Hữu và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội nói rằng Núi Thờ, còn gọi là Núi Chẽ, nằm cạnh nhà thờ Ðồng Chiêm luôn thuộc quyền sử dụng của giáo xứ Ðồng Chiêm kể từ ngày thành lập giáo xứ hơn 100 năm nay. Vụ rối loạn ở Ðồng Chiêm là vụ việc mới nhất trong một loạt những vụ căng thẳng giữa Giáo hội Công giáo và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam từ cuối năm 2007, khi các tín đồ Công giáo bắt đầu thực hiện những cuộc biểu tình qui mô lớn để phản đối việc đất đai bị nhà nước tịch thu.

Chiều ngày hôm nay, Ðức Tổng Giám mục Giuse đã đến nơi điều trị để thăm hai giáo dân bị đánh trọng thương trong vụ đàn áp vừa qua tại giáo xứ Ðồng Chiêm. Hai giáo dân đang được điều trị là bà Ðinh Thị Song và bà Bạch Thị Phòng, cả hai đã bị đánh trọng thương bởi các nhân viên an ninh của nhà cầm quyền Hà Nội trong vụ việc đập phá Thánh Giá tại giáo xứ Ðồng Chiêm vào rạng sáng ngày thứ tư vừa qua. Ðược biết sau khi bị đánh trọng thương, hai bà đã bị các nhân viên an ninh lôi đi và đưa lên xe cứu thương đã chuẩn bị sẵn để chuyển tới trung tâm y tế của huyện và giao cho các nhân viên y tế thực tập chăm sóc. Sau đó, họ cuyển hai nạn nhân này lên bệnh viện Việt Ðức trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Tại đây các bà đã được chụp quang tuyến, khâu vết thương và băng bó. Sau đó Công an yêu cầu đưa các bà trở lại trung tâm y tế của huyện để điều trị.


Tuy nhiên, hiện nay hai nạn nhân này đã được các nữ tu đưa đến một nơi an toàn hơn để chăm sóc. Khi Ðức Tổng Giám mục đến thăm, bà Song vẫn còn trong tình trạng sức khỏe rất yếu, bà vẫn chưa qua cơn choáng váng vì bị đánh đập quá dã man. Hiện tại hai nạn nhân này vẫn chỉ dùng được một chút cháo loãng, riêng bà Song vì bị đánh quá nặng ở đầu nên vẫn còn mê sảng, tâm lý hoảng loạn. Ðức Tổng Giám mục đã bày tỏ sự đau lòng trước sự việc xảy ra, nhất là việc các giáo dân bị Công an đánh trọng thương. Ngài ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người cũng như những diễn biến điều trị cho họ. Ngài cũng khuyên họ cố gắng vượt qua những đau đớn và khốn khó để được thông phần vào chính sự đau khổ của Chúa và trở nên những nhân chứng can trường bảo vệ Ðức Tin và Công Lý.

Hôm nay các Giám mục thuộc Giáo tỉnh Hà Nội đã về Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội họp mặt Tất Niên để tổng kết năm 2009 và định hướng cho công tác mục vụ của Giáo tỉnh trong năm 2010. Trong dịp này, các Ngài đã gửi tới Ðức Tổng Giám Mục Giuse, Bề Trên Tổng Giáo Phận Hà Nội, những tâm tình hiệp thông sâu sắc để bày tỏ tình liên đới của 10 Giáo phận trong Giáo Tỉnh về vụ việc mới diễn ra tại giáo xứ Ðồng Chiêm. Tưởng cũng nên nhắc lại là Văn phòng tòa Tổng giám mục Hà Nội đã ra thông báo lên án vụ triệt hạ Thánh giá ở Ðồng Chiêm, trong khi một báo nhà nước phản bác và cho là luận điệu sâu dộc. Vụ xô xát sáng thứ tư vừa qua tại Mỹ Ðức Hà Nội đã được báo chí nước ngoài chú ý, sau khi có chuyến viếng thăm Vatican của Chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết, và mọi người cho rằng không có hy vọng gì cho quan hệ tốt đẹp với nhà nước Cộng sản Việt Nam vào Năm Thánh 2010. Thông báo của văn phòng tòa Tổng Giám mục Hà Nội do Linh mục Gioan Lê Trọng Cung ký, gọi vụ phá cây Thánh giá trên núi Thờ hay còn gọi là núi Chẻ hôm trước đó là xúc phạm đến biểu tượng thánh thiêng liêng nhất của Giáo hội, đánh đập tàn nhẫn những người dân vô tội và vô phương tự vệ là một hành động dã man vô nhân đạo xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con ngưòi. Ðây là hành vi thô bạo đáng bị lên án. Ðáp lại, báo Hà Nội Mới của nhà nước đã cho đăng một bài viết có tựa đề là Ðừng trượt sâu vào con đường sai lầm, đã phê phán trực diện linh mục Chính xứ Ðồng Chiêm Nguyễn Văn Hữu.


Bằng lời lẽ rất mạnh, báo này tấn công cả các luận điệu đăng trên trang web Chúa Cứu Thế của Công giáo, và kết nối vụ này với những vụ tranh chấp và xô xát trước đây, khi cho rằng dù có bịa đặt và bóp méo như thế nào thì những luận điệu đó cũng không thể đánh lừa được dư luận, bởi chân tướng của những kẻ tung ra các luận điệu xấu độc này đã tự phơi bày từ lâu qua những vụ việc như ở Nhà Chung, Thái Hà, Tam Tòa. Ðây là lần thứ ba trên địa bàn Hà Nội mấy năm qua đã nổi lên vụ tranh chấp giữa nhà nước và khối giáo dân Công giáo, liên quan đến đất đai và những vị trí mang tính biểu tượng của tôn giáo này. Sau các vụ Nhà Chung và Thái Hà cũng tại Hà Nội không khí tưởng đã giảm bớt căng thẳng, nhất là sau khi Vatican có những cử chỉ ngoại giao và Nguyễn Minh Triết yết kiến Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 vào tháng 12 vừa qua. Nhưng với vụ Ðồng Chiêm, độ nóng đã bất ngờ tăng cao.

Phía Công giáo tố cáo nhà nước đưa lực lượng an ninh hùng hậu vào tháo gỡ một cây thánh giá dựng trên một ngọn núi vốn là một nghĩa trang trẻ em mà người Công giáo nói là của họ từ nhiều thập niên qua. Hình ảnh một số giáo dân bị đánh đập tàn bạo máu me đầy mặt, nhưng nhà nước thì lại biện minh rằng khi nhà cầm quyền xã An Phú và thôn Ðồng Chiêm tổ chức cho công nhân tháo dỡ an toàn công trình xây dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ, linh mục Nguyễn Văn Hữu đã kích động một số giáo dân ra hiện trường chửi bới, lăng mạ, ném gạch đá vào lực lượng bảo vệ. Vẫn tờ báo thuộc thành phố Hà Nội này cho rằng làm gì có cảnh đang tay đánh đập các giáo dân như đã bịa đặt, vu cáo. (SBTN)

© 2016 About Us | Terms & Conditions