ASEAN nên bác bỏ bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

James R. Holmes | The Diplomat | 5.9.2013 | Người dịch: Lê Anh Hùng

Các nước ASEAN hãy cẩn thận! Ý tôi là về một bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông. Bộ quy tắc ứng xử duy nhất đáng có là bộ quy tắc mà theo đó Trung Quốc (i) từ bỏ đường lưỡi bò cùng những yêu sách lãnh thổ liên quan, (ii) nói đi đôi với làm bằng cách rút lui khỏi những khu vực mà họ đã xâm phạm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, (iii) thôi khăng khăng đòi cấm một số hoạt động hải quân của nước ngoài trong phạm vi đường lưỡi bò, và (iv) đồng ý rằng mục đích của bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng đều nhằm khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển như là điều kiện hiện thời của khu vực.
Liệu có ai đó muốn đặt cược vào khả năng Bắc Kinh sẽ thực hiện bất cứ điều nào trong số những điều trên đây hay không? Tôi thì không đâu đấy. Tất cả những điều trên ư? Hãy quên chuyện đó đi nhé. Nếu ASEAN đồng ý với một bộ quy tắc ứng xử theo bất kỳ cách nào thì trước đấy họ đã đồng ý về hiện trạng, kể cả việc Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough và đá Vành Khăn, vốn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các nước Đông Nam Á trước đó đã đồng ý với một băng bảo kê cho toàn khu vực, với hy vọng rằng nếu để cho Trung Quốc giữ được những thành quả trong quá khứ thì sẽ mua được sự kiềm chế và thiện chí của họ trong tương lai. Chúc cho sự thành công của ý tưởng đó. Đúng hơn là nó cứ như thể một kẻ ít tốt bụng và hoà nhã hơn tôi lại chỉa súng vào bạn và đòi bạn phải chi tiền để bảo vệ bạn khỏi sự xâm hại của… tôi. Những cuộc mặc cả với gia đình mafia như thế hiếm khi thành công trong các bộ phim về xã hội đen. Cuộc sống mô phỏng nghệ thuật trong trường hợp này. Đối tác bổ trợ trong quan hệ quốc tế là khái niệm mà các học giả vẫn dành cho từ “bandwagoning”[i]. Những quốc gia yếu thế vẫn ưa bắt tay với nhau để đối trọng với những quốc gia lớn mạnh và lấn lướt vẫn nhăm nhăm chà đạp lên lợi ích và an ninh của họ. Song nếu những quốc gia yếu thế không thể đối trọng nổi với một quốc gia bá chủ trong tương lai thì họ lại có thể xuôi theo cường quốc đó. Họ đồng ý với những đòi hỏi của quốc gia bá chủ kia với hy vọng mua được hoà bình trong khi giữ được càng nhiều chủ quyền và duy trì được càng nhiều lợi ích quốc gia càng tốt. Vấn đề ở đây là, những dàn xếp kiểu như thế lại có thể đổ bể. Chúng chỉ tồn tại cho đến khi gia đình mafia kia quyết định là nó cần thêm nữa. Lúc này, những kẻ bảo kê sẽ đòi hỏi thêm. Thiết tưởng không cần phải nói rằng cái giá của sự bảo kê luôn có xu hướng tăng lên theo thời gian. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario là người hiểu được những lực lượng đang vận động trên Biển Đông. “Chúng tôi nghĩ Trung Quốc đang tìm cách vượt lên trước COC”, del Rosario nói với Reuters tuần này. COC sẽ nhìn về phía trước trong một nỗ lực nhằm tháo ngòi cho những tranh cãi trong tương lai, chứ không phải nhìn lại phía sau để đảo ngược những vi phạm trong quá khứ. Chính vì thế mà Bắc Kinh đang thúc đẩy một “nghị trình khẳng định”. Họ sẽ chiếm những gì mà họ có thể, rồi đồng ý với một bộ quy tắc ứng xử giúp đảm bảo rằng họ có thể giữ những gì mà họ vừa chiếm được. Điều này đã trở thành thông lệ mới. Tiền lệ của việc sử dụng luật pháp hay công ước quốc tế để củng cố thành quả quốc gia thì không hề thiếu. Học giả người Anh Ken Booth thuật lại rằng các quốc gia biển từng tranh giành lãnh thổ trong những năm 1970 và đầu thập niên 1980, trong khi họ đang đàm phán về UNCLOS. Và người ta nghi ngờ rằng đó mới là lần đầu tiên các quốc gia làm xiếc với luật pháp quốc tế theo kiểu như thế. Vậy nên Manila đã đúng khi lớn tiếng phản đối nghị trình của Bắc Kinh. Bố già Tập Cận Bình cùng gia đình mafia của ông ta là hạng chỉ biết đòi hỏi mà không biết nhượng bộ. Nếu họ không để cho những từ ngữ rõ ràng của một hiệp ước – một công ước mà Trung Quốc đã chuẩn thuận – kiềm chế tham vọng của mình thì tại sao lại kỳ vọng một bộ quy tắc ứng xử sẽ làm được điều đó? Hãy cẩn thận với trò bandwagoning, hỡi các bạn ASEAN, trừ khi các bạn đã sẵn sàng đáp ứng ngay lập tức tất cả những gì mà Trung Quốc đòi hỏi – hết lần này đến lần khác. Nguồn: The Diplomat / Defend the Defenders



[i] Trong quan hệ quốc tế, bandwagoning xẩy ra khi một nước xuôi theo một nước thù nghịch và mạnh hơn, đồng thời nhượng bộ cho quốc gia thù nghịch và mạnh hơn mà nay đã trở thành đối tác đó phần lợi lớn hơn bất tương xứng trong thành quả chung. Bandwagoning vì thế là một chiến lược mà các nước yếu thế hơn vận dụng. Logic ở đây là quốc gia yếu thế hơn nên xuôi theo quốc gia thù nghịch và mạnh hơn bởi dù sao quốc gia thù nghịch và mạnh hơn ấy cũng có thể đạt được những gì mà họ muốn bằng vũ lực. (ND)


Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions