Các nhà lập pháp hối thúc chính quyền Obama tỏ lập trường cứng rắn với Việt Nam trước cuộc đối thoại nhân quyền

Julian Pecquet

Người dịch: Lê Anh Hùng



Hôm thứ Tư, trước thềm cuộc đối thoại nhân quyền vào thứ Sáu tới đây, các nhà lập pháp đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam như một quốc gia vi phạm nhân quyền trắng trợn.

Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Hạ viện nói, Bộ Ngoại giao cần đưa quốc gia cộng sản này vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” chiểu theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Act) năm 1998. Lời kêu gọi được đưa ra chỉ ít ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền thường niên dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội sau khi bị huỷ bỏ vào năm ngoái.


Năm 2006, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nói trên – danh sách các quốc gia bị chỉ trích và có thể chịu trừng phạt – trong bối cảnh Việt Nam được báo cáo là đã tiến bộ về nhân quyền. Kể từ đấy, theo Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hoà Chris Smith (bang New Jersey), tình trạng truy bức tôn giáo bắt đầu diễn ra tồi tệ.

Smith phát biểu trong một cuộc họp báo với các nhà lãnh đạo tôn giáo: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi chính quyền Obama đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Chính phủ Việt Nam đã đàn áp những người có tín ngưỡng, tín đồ Tin lành, người Mông, tín đồ Công giáo và những người theo tín ngưỡng khác.”

Smith cũng nói, ông sẽ trình lại Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Act) trong một hai ngày tới. Dự luật này sẽ đặt ra những chuẩn mực mà Việt Nam phải đáp ứng nếu muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ; nó đã được Hạ viện thông qua vào tháng Chín năm ngoái, song không được Thượng viện phê chuẩn.

Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hoà Frank Wolf (bang Virginia), tác giả của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998, kêu gọi chính phủ giữ lập trường cứng rắn trong cuộc gặp tới đây ở Hà Nội. Ông cũng lặp lại lời kêu gọi Tổng thống Obama bổ nhiệm một người Mỹ gốc Việt làm đại sứ tiếp theo ở Việt Nam.

Wolf phát biểu: “Trong cuộc Đối thoại Nhân quyền Mỹ - Việt sắp tới, chính phủ Mỹ có một nghĩa vụ – một nghĩa vụ đạo đức và pháp lý – là thúc đẩy mạnh mẽ… việc phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân lương tâm. Đây phải là điểm mấu chốt – phóng thích ngay lập tức tất cả các tù nhân lương tâm.”

Tham gia cùng hai hạ nghị sỹ tại cuộc họp báo còn có cựu Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hoà Cao Ánh, người Mỹ gốc Việt duy nhất được bầu vào Quốc hội cho đến nay, cũng như đại diện của các nhóm Công giáo, Phật giáo và các nhóm tôn giáo người Việt khác. Thứ Năm, ông Cao Ánh cùng các nhà vận động khác sẽ triều trần trước Tiểu ban Nhân quyền thuộc Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện của Hạ nghị sỹ Chris Smith.

Smith nói: “Cuộc điều trần này sẽ xem xét các vụ lạm dụng nhân quyền mà Chính phủ Việt Nam vẫn đang gây ra cho công dân của họ, đặc biệt là các vụ vi phạm gây quan ngại sâu sắc về các quyền tín ngưỡng và sắc tộc (religious and ethnic rights), cũng như sự dính líu thường xuyên của chính quyền vào nạn buôn người. Sự chứng thực bởi các nhân chứng nổi bật của chúng tôi sẽ cung cấp những bằng chứng thuyết phục mà Bộ Ngoại giao cần dứt khoát nêu ra trong cuộc Đối thoại Nhân quyền Mỹ - Việt dự kiến diễn ra vào ngày hôm sau. Tiểu ban Nhân quyền cũng sẽ xem xét có tính phê phán việc Việt Nam tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.”


Nguồn: Defend the Defender/The Hill


Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions