Cơ chế kiểm duyệt mạng ở Trung Quốc thực sự vận hành như thế nào

Các nghiên cứu cho thấy rằng chính phủ Trung Quốc chấp nhận một số ý kiến khác biệt trên mạng – nhưng lại mạnh tay trấn áp những lời kêu gọi hành động tập thể.  KENTARO TOYAMA | The Atalantic | 2.10.2013

Người dịch: Lê Anh Hùng

Tuần đầu tiên của tháng Mười là dịp nghỉ lễ Quốc khánh ở Trung Quốc, kỷ niệm ngày Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hoà Nhân dân năm 1949. Đây là ngày diễn ra những hoạt động kỷ niệm do chính quyền tổ chức, với các các cuộc diễu binh, các buổi hoà nhạc và những màn bắn pháo hoa. Mặc dù Quốc khánh là một ngày lễ lớn tại một đất nước gọi là Cộng hoà Nhân dân, nhưng chắc chắn có một điều hầu như không bao giờ xẩy ra ở đây: những sự kiện lớn do nhân dân tự đứng ra tổ chức.

Việc nhà cầm quyền Trung Quốc không thích các cuộc phản đối của quần chúng thì chẳng có gì là bí mật. Tuy nhiên, những nghiên cứu do nhà khoa học chính trị Gary King chủ trì lại sử dụng những mô thức kiểm duyệt truyền thông xã hội được tuân thủ chặt chẽ ở Trung Quốc hầu cho thấy Đảng CSTQ đã thực hiện bài bản đến thế nào để tránh bất kỳ hình thức tập hợp nào của quần chúng.


King tin rằng cơ chế kiểm duyệt ở Trung Quốc là “nỗ lực rộng lớn chưa từng có hòng kiểm soát sự biểu đạt của con người”. Lực lượng công an mạng của chính quyền sử dụng khoảng 50.000 người và số này hợp tác với thêm 300.000 đảng viên nữa – đó là còn chưa tính số nhân viên mà các doanh nghiệp tư nhân phải thuê mướn để rà soát nội dung trên trang mạng của mình. Qua điện thoại, King nói với tôi rằng nỗ lực ấy lớn đến mức “giống như thể con voi đi qua một căn phòng vậy”. Cùng với hai đồng nghiệp Jennifer Pan và Margaret Roberts, King đã truy tìm và đo được dấu chân của nó, cho thấy những phát hiện sâu sắc bên trong con quái vật Trung Hoa khổng lồ này. Carlos Barria/Reuters Trong nghiêu cứu đầu tiên, nhóm của King đã xây dựng một mạng lưới máy tính giúp giám sát chặt chẽ 1.382 trang mạng Trung Quốc, lần theo những bài viết mới về một loạt chủ đề trong từng khoảng thời gian đều đặn để xem liệu chúng có bị kiểm duyệt hay không và bị kiểm duyệt lúc nào. 11 triệu bài bao trùm 85 lĩnh vực – với độ biến thiên về mức nhạy cảm chính trị, từ những trò chơi video phổ biến cho đến nghệ sỹ bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị – đã được lựa chọn để điều tra song song với hoạt động trao đổi bí mật trên mạng bắt nguồn từ các sự kiện trong xã hội. Trong nghiên cứu thứ hai, King và nhóm của ông tiến hành điều tra bí mật. Họ mở những tài khoản giả mạo trên hơn 100 trang truyền thông xã hội, gửi bài để xem trang mạng nào bị kiểm duyệt, và thậm chí còn lập trang truyền thông xã hội của riêng mình ở Trung Quốc.

Trong số những phát hiện của họ có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc hoạt động hữu hiệu đến mức khó tin: Những bài viết đáng ngại bị gỡ bỏ với tỷ lệ loại trừ gần như hoàn hảo và thường là trong vòng 24 giờ sau khi đăng tải. Các tác giả viết: “Đây là một thành tựu nổi bật về mặt tổ chức, đòi hỏi mức độ chính xác như trong quân sự mà lại diễn ra ở quy mô lớn.”

Thứ hai, King và nhóm của ông phát hiện ra rằng (i) các nhà kiểm duyệt Trung Quốc chú trọng những bài viết nào nhắc tới, khích động, hay liên hệ theo cách khác đến hành động tập thể của quần chúng như các vụ phản đối, các cuộc biểu tình, hay thậm chí là những hoạt động phi chính trị của quần chúng, và (ii) nhà cầm quyền dường như tương đối thoải mái hơn với hành vi phê phán chính quyền. Chẳng hạn, đoạn sau đây không bị kiểm duyệt:

Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra lời hứa về một chính phủ dân chủ, hiến định ngay từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Nhật. Tuy nhiên, 60 năm sau lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện. Trung Quốc ngày nay thiếu sự chính trực, và trách nhiệm cần được quy về cho Mao. […] dân chủ trong đảng mà người ta cổ suý ngày nay chẳng qua chỉ là cái cớ để họ duy trì chế độ độc đảng.

Trong khi đó thì câu dưới đây, vốn đề cập đến một vụ nổ bom tự sát mà tác giả của nó trước đó đã bị phá tan nhà cửa, lại bị cấm:

Ngay cả khi chúng ta có thể xác nhận những gì mà Tiền Minh Kỳ (Qian Mingqi) nói trên trang mạng xã hội Weibo rằng việc phá huỷ ngôi nhà đã gây ra cho ông rất nhiều thiệt hại, chúng ta cũng cần lên án hành động trả thù cực đoan của ông… Chính phủ vẫn liên tục đề ra các biện pháp và luật lệ nhằm bảo vệ lợi ích của những công dân bị phá nhà.

Ở đây không phải là muốn nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc vui vẻ với chuyện bị phê phán. Người dân Trung Quốc vẫn có thể bị trừng phạt vì đăng tải những ý kiến bất đồng, đặc biệt là nếu điều đó tạo ra sức hút: Chẳng hạn, một thiếu niên ở tỉnh Sơn Tây mới đây đã bị bắt giữ vì bài đăng của cậu ta được chuyển tiếp tới 500 lần trên Weibo. Nhưng chừng nào sự chỉ trích được biểu đạt dưới những hình thức nhỏ lẻ, chừng đó nó không bị coi là nghiêm trọng như những bài viết có thể khích động hành động tập thể.

King đưa ra ít nhất là hai lý do cho thực tế này. Thứ nhất, việc cho phép một mức độ phê phán nào đấy có thể xoa dịu những người đang muốn xả cơn bực tức, qua đó ngăn họ khỏi bộc lộ những tình cảm như thế một cách mạnh mẽ hơn. Thứ hai, sự khoan dung tương đối này là một cách thức hữu ích để chính quyền trung ương tìm hiểu về những vấn đề cần chú ý. King dẫn lời nhà khoa học chính trị Martin Dimitrov, người lập luận rằng “chế độ sụp đổ khi người dân ngừng than vãn với nhà nước” – bởi họ không còn coi nhà nước đó là hợp pháp nữa. Tuy nhiên, những lời kêu gọi hành động tập thể lại bị coi là nguy hiểm và không hề được dung túng – ngay cả khi chúng chẳng dính dáng gì đến chính trị cả.

Tóm lại, những nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về bản chất phi đạo lý (amorality) của công nghệ: Thay vì hoàn toàn tích cực hay hoàn toàn tiêu cực, công nghệ chỉ thuần tuý là tăng cường sức mạnh nội tại của con người. King nhận xét: “Các chính trị gia ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều sử dụng bất cứ phương tiện thông tin liên lạc nào mà họ nắm trong tay để thúc đẩy mục đích cá nhân. Nếu công nghệ cho phép họ thực hiện điều đó nhanh hơn thì họ sẽ sử dụng nó.”

“Theo một số cách nào đó, tình hình ở Mỹ cũng y như vậy”, ông tiếp tục. Những công ty công nghệ lớn ở Mỹ được luật pháp yêu cầu theo dõi và kiểm duyệt những nội dung bất hợp pháp như khiêu dâm trẻ em, và, như những tiết lộ gần đây về hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho thấy, Washington còn có khả năng gây áp lực lên các doanh nghiệp để tìm kiếm những thông tin mà họ muốn.

Dù vậy, bản chất của việc chính phủ kiểm soát Internet ở hai nước thì vẫn khác nhau. King dẫn ra một ví dụ gần đây: Vài ngày trước, ca sỹ kiêm diễn viên Justin Timberlake đăng trên trang Tweeter của mình rằng 150 người đầu tiên đến xem anh ta biểu diễn tại một hộp đêm sẽ được vào cửa miễn phí. Hàng trăm người đã xếp hàng chỉ sau mấy phút. King nói: “Chuyện đó không bao giờ có thể xẩy ra ở Trung Quốc cả.”


Nguồn: The Atlantic
Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions