Donald Trump đem lại lợi ích gì cho Trung Quốc?

Eric Li | New York Times

Người dịch: Lê Anh Hùng



LTS

Đây là bài viết của một nhà đầu tư mạo hiểm kiêm nhà khoa học chính trị đăng trên một tờ báo lớn ở Mỹ là New York Times. Eric Li là một Hoa sinh ra ở Thượng Hải, từng học tập tại Mỹ và thậm chí còn làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Ross Perot năm 1992 trước khi quay trở về hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở Thượng Hải. Tác giả là người sáng lập quỹ đầu tư Chengwei Capital ở Thượng Hải, thành viên ban giám đốc Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu (China Europe International Business School – CEIBS) ở Thượng Hải, và thành viên Viện Aspen (Aspen Institute) ở Washington, D.C.

Bài viết sặc mùi định hướng dư luận Mỹ của một nhân vật khá tên tuổi và bị chỉ trích là “ca ngợi viên” của chính phủ Trung Quốc trên New York Times cho thấy chiến lược truyền thông của bộ máy tuyên truyền CSTQ bài bản và thâm hậu đến thế nào.

Lê Anh Hùng
THƯỢNG HẢI — Có lẽ không một quốc gia nào phải chịu nhiều tác động từ Donald J. Trump hơn Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump đã khiến người ta nghĩ rằng việc làm cho Hoa Kỳ “vĩ đại trở lại” có nghĩa là đánh bại Trung Quốc.

Tuy nhiên, phần đông công chúng Trung Quốc lại ủng hộ ông. Và Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên thế giới chúc mừng ông. Trong thông điệp gửi tới vị tổng thống mới đắc cử, ông Tập bày tỏ hy vọng xây đắp “lợi ích chung” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bắc Kinh đang chờ đợi sự thay đổi ở Washington. Đối với người Trung Hoa, kỷ nguyên Obama là giai đoạn khó khăn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung kể từ khi Tổng thống Richard M. Nixon nối lại quan hệ vào năm 1971. Chính quyền Obama, với Hillary Clinton là Ngoại trưởng, đã thực hiện chính sách “xoay trục sang Châu Á” hòng kiềm toả Bắc Kinh, mà mục đích là củng cố và mở rộng hệ thống đồng minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong khi tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây. Chính sách xoay trục được hậu thuẫn bởi một kế hoạch kinh tế, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước thương mại sắp bị khai tử, vốn được tạo ra một phần là nhằm cô lập Bắc Kinh.


Một tờ báo với tấm hình của tổng thống mới đắc cử Donald J. Trump tại một quầy báo ở Bắc Kinh. Greg Baker/Agence France-Presse — Getty Images


Kể từ thời chiến tranh lạnh, từ Tổng thống Bill Clinton đến Tổng thống Obama, Hoa Kỳ vẫn tìm cách tái định hình thế giới theo quan niệm của họ – xây dựng một đế chế Hoa Kỳ dưới chiêu bài toàn cầu hoá. Thông qua những liên minh và định chế toàn cầu ngày càng lớn và phức tạp do mình thiết kế, Washington đã tìm kiếm sự chuẩn hoá toàn cầu về các quy tắc trong lĩnh vực thương mại, tài chính và quan hệ quốc tế. Nó sử dụng sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự để thúc đẩy các nước khác áp dụng nền dân chủ bầu cử và chủ nghĩa tư bản thị trường.

Trung Quốc từ chối nhượng bộ. Mặc dù người Trung Hoa được hưởng lợi rất nhiều từ kỷ nguyên này, Bắc Kinh vẫn tham gia vào quá trình toàn cầu hoá theo những điều kiện của mình. Những gì mà Trung Quốc thu được từ toàn cầu hoá đã giúp biến đất nước này từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn sang một cường quốc công nghiệp chỉ trong vòng một thế hệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn luôn nhấn mạnh việc củng cố hệ thống chính trị độc đảng và chỉ mở cửa thị trường đến mức đó.

Cách tiếp cận ấy tỏ ra hiệu quả với Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn sự phức tạp công nghệ, đến mức mà Trung Quốc xuất hiện lồ lộ trong tâm trí của nhiều thành phần tinh hoa ở Mỹ như là mối đe doạ lâu dài đáng gờm nhất.

Tuy nhiên, những thành phần tinh hoa này đã không nhận thấy – còn ông Trump thì dường như lại hiểu ra – rằng trong khi họ bị ám ảnh bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một mối đe doạ đối với trật tự tự do chủ nghĩa do Mỹ lãnh đạo thì nền tảng chính trị nội bộ của Mỹ lại đang sa sút. Xu hướng của những thành phần tinh hoa Mỹ trong việc tìm cách định hình thế giới theo ý mình đã tạo ra xung đột trong nước, giữa những người Mỹ nắm quyền lực với những người dân bình thường. Đế chế Mỹ được xây dựng với cái giá là đất nước Mỹ.

Toàn cầu hoá đã đem lại lợi ích cho tầng lớp thượng lưu nắm giữ nhiều tài sản và ảnh hưởng ở Mỹ, trong khi tầng lớp trung lưu lại đình đốn hay co lại. Cơ sở công nghiệp của đất nước, nền móng kinh tế của tầng lớp trung lưu trong kỷ nguyên hậu chiến, đã bị phá huỷ. Cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ cần được khôi phục, hệ thống giáo dục vận hành tồi tệ, và khế ước xã hội thì chuệch choạc. Hoa Kỳ chiếm 4,5% dân số thế giới và khoảng 20% GDP toàn cầu, song lại chiếm tới gần 40% chi tiêu quân sự của thế giới.

Với ông Trump trong phòng bầu dục, phía trước có thể là một thời gian khó khăn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa hai nước có thể lao dốc trong ngắn hạn bởi những tranh chấp thương mại, chẳng hạn thế.

Tuy nhiên trong dài hạn, mối quan hệ Trung - Mỹ lại có thể trở nên lành mạnh hơn vì người Trung Hoa thích mối quan hệ với một nước Mỹ không tìm cách tái định hình thế giới. Người Trung Hoa biết cách cạnh tranh và có thể ứng phó với các đối thủ cạnh tranh. Điều mà họ phẫn nộ và chống lại là một nước Mỹ áp đặt những giá trị và chuẩn mực của mình lên mọi người khác.

Nước Mỹ của ông Trump rất có thể sẽ thoát khỏi mô thức đó. Ông chưa bày tỏ mong muốn bảo những nước khác làm thế này thế nọ. Trung Quốc được điều hành bởi những nhà lãnh đạo có năng lực, có ý chí mạnh mẽ và thực dụng. Ông Trump là một doanh nhân quyết đoán với một nền tảng ý thức hệ ít ỏi. Thiếu vắng sự ràng buộc ý thức hệ, ngay cả những đối thủ cạnh tranh nhất với nhau cũng có thể bắt tay với nhau. Đây là một ngày mới cho mối quan hệ song phương nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới.  Chính sách xoay trục của Obama đang thất bại. Nó không thể tạo ra một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình hơn, và ngay cả đồng minh gần gũi nhất của Mỹ trong khu vực là Philippines cũng đang từ bỏ nó. Đó là một dự án đắt đỏ về thiết đặt trật tự toàn cầu với cái giá mà người Mỹ phải trả là lợi ích quốc gia của họ.

Bắc Kinh không ấp ủ một mưu đồ nào để cạnh tranh với Hoa Kỳ hòng thống trị thế giới. Tuy nhiên, việc nó tìm cách đòi lại một vai trò lãnh đạo trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của mình là điều hoàn toàn tự nhiên. Trung Quốc mong muốn có không gian riêng để vươn tới những mục tiêu phát triển. Cùng lúc, nước Mỹ với Tổng thống Trump lại cần hướng sự chú ý vào hoạt động tự tái thiết.

Trong dài hạn, nước Mỹ của Trump và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hợp tác với nhau hơn so với bất kỳ giai đoạn nào khác mà người ta còn lưu giữ trong ký ức gần đây.

* Eric Li là một nhà đầu tư mạo hiểm và nhà khoa học chính trị.


Nguồn: Việt Nam Thời Báo | The New York Times

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions