Nợ xấu đang bó buộc các ngân hàng Việt Nam, còn các nhà đầu tư thì đứng chờ

Chris Brummitt | Associated Press | 23.9.2013

Người dịch: Lê Anh Hùng


Hà Nội, Việt Nam (AP) — Tình trạng nợ xấu đang bó buộc các ngân hàng Việt Nam và hình ảnh hàng dãy nhà hoang đang mốc meo dưới cơn mưa Hà Nội là những dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế ốm yếu. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đây lại là cơ hội để kiếm những khoản lợi nhuận hấp dẫn – nếu như chính phủ cộng sản chào đón họ.

Neil Hagan, một chuyên gia phục hồi nợ người Mỹ muốn khởi sự một công ty kinh doanh nợ xấu tại Việt Nam thay mặt cho người mua nợ xấu ở nước ngoài, cho biết là hàng tuần ông vẫn nhận được các cuộc gọi từ các quỹ đầu cơ (hedge fund) ở Singapore và Hồng Kông để hỏi xem liệu bây giờ có phải là thời điểm thích hợp để mua một số khoản nợ hay không.

Ít nhất là cho đến lúc này ông vẫn khuyên họ là hãy cứ ngồi yên đấy.


“Họ nhìn thấy con mồi đã chết, nhưng lại không thể nhảy vào”, Hagan – người trông nom các khoản nợ cho ngân hàng Lehman Brother’s và các ngân hàng khác ở Châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 – bình luận. Các nhà đầu tư nước ngoài từng mua hàng tỷ dollar nợ xấu cũng như những tài sản bị kê biên sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra.

Hagan tiên đoán là trước khi kết thúc năm 2013, vài vụ nhỏ hay mang tính chất “mở hàng” có thể sẽ trở nên khả thi. Ông điểm tên những người khổng lồ về hình thức góp vốn tư nhân (private equity) như Lone Star và Fortress là những người mua khả dĩ. Các chuyên gia kinh tế và chủ ngân hàng đầu tư khác thì lại ít tự tin hơn, họ lưu ý là chính phủ sẽ phải thực thi những thay đổi quan trọng về luật lệ nếu muốn hoạt động này diễn ra suôn sẻ.

Các ngân hàng Việt Nam đã cho vay hàng tỷ USD cuối những năm 2000 trong bối cảnh chính phủ tìm cách kích thích nên kinh tế để đối phó với hiện tượng suy thoái kinh tế toàn cầu. Một lượng tiền lớn được dành cho các DNNN vay với sự giám sát hời hợt và nhiều doanh nghiệp trong số này đã đầu tư vào thị trường bất động sản.

Giờ đây, trước tình cảnh giá bất động sản lao dốc và nền kinh tế đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 10 năm, các doanh nghiệp và cá nhân từng vay tiền không có khả năng hoàn trả. Những món vay không hiệu quả này đang đe doạ phá sản nhiều ngân hàng quy mô nhỏ và kìm hãm việc cho các doanh nghiệp khác vay, từ đó gây thêm áp lực cho nền kinh tế.

Bán hàng đống nợ xấu cho các nhà đầu tư quốc tế là một cách để đưa chúng ra khỏi sổ sách của ngân hàng. Thông thường, các nhà đầu tư sẽ mua từng phần của các món vay kèm theo tài sản của chúng với mức giá thấp hơn đáng kể giá trị danh nghĩa. Họ hy vọng sẽ kiếm tiền bằng cách nhanh chóng sang tên tài sản hoặc đổ tiền vào để hiệu chỉnh chúng rồi bán hay kiếm doanh thu từ đó. Họ thuê các công ty cung cấp dịch vụ về các khoản vay để tiến hành hoạt động ấy.

Song để hoạt động này diễn ra suôn sẻ, chính phủ phải buộc các ngân hàng bán thanh lý nợ xấu của chúng. Muốn làm điều này ở Việt Nam đòi hỏi các vị chủ tịch ngân hàng và cổ đông với nhiều mối quan hệ ảnh hưởng phải chấp nhận thua lỗ, đồng thời chính phủ phải đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Việc kê biên hàng ngàn ngôi nhà và doanh nghiệp nhỏ sẽ gây ra khó khăn chính trị cho một chính phủ vẫn khước từ công dân của mình những quyền chính trị cơ bản trong khi uy tín của nó thì lại tuỳ thuộc vào khả năng tạo ra mức sống ngày càng cao cho người dân.

“Dù họ lựa chọn cách nào đi nữa thì cũng không có giải pháp nào là dễ dàng ở đây”, Gareth Leader – chuyên gia về Châu Á tại Capital Economics (công ty tư vấn về nghiên cứu kinh tế ở London) – nhận xét. “Nhưng phải đến khi các ngân hàng cho vay trở lại thì nền kinh tế mới khởi sắc.”

Nhiều nhà quan sát nói chính phủ dường như đang kỳ vọng rằng một khi kinh tế thế giới phục hồi thì giá tài sản ở Việt Nam sẽ tăng trở lại. Trong khi đó, các ngân hàng lại có thể gian dối về số nợ xấu trên sổ sách, một chiến lược gọi là “vờ vĩnh và gia hạn” (pretend and extend)[i].

Tháng Năm vừa qua, Việt Nam loan báo về việc thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của nó. Công ty này có số vốn là 23 triệu USD. Các ngân hàng đã báo cáo về tỷ lệ nợ xấu của chúng là 4,9%, nhưng công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây lại ước tính tỷ lệ thực tế có thể gấp từ 3 đến 4 lần con số đó. Theo các nhà phân tích, VAMC có thể cân nhắc khả năng hợp tác với các định chế đầu tư nước ngoài để khoả lấp số vốn thiếu hụt.

“Một quỹ đầu cơ của Mỹ có thể đáp ứng được mức độ chi tiêu của toàn bộ VAMC”, John Sheehan – một chuyên gia về nợ xấu của Capital Services Group và mới đây đã sang Việt Nam để gặp gỡ các chủ ngân hàng – nhận định. “Nếu hạ tầng đầy đủ thì rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng nhảy vào. Nếu họ làm điều đó càng sớm, nền kinh tế Việt Nam càng nhanh chóng khởi sắc trở lại.”

Ở đây có rất nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư vào nợ xấu: Nhiều trong số những con nợ tệ hại nhất là các DNNN, vì thế việc thu hồi nợ từ chúng được coi là đặc biệt khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Lãnh đạo các công ty này có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự nếu họ thanh lý tài sản với giá rẻ vì điều đó sẽ “gây thất thoát cho nhà nước”. Người nước ngoài không được phép sở hữu bất động sản hay tài sản thế chấp.

David Harrison, một luật sư của hãng luật quốc tế Mayer Brown làm việc ở Việt Nam, cho biết là dường như chính phủ có thể thay đổi luật lệ nhằm cho phép người nước ngoài hợp tác với VAMC để mua những tài sản gắn với các món cho vay.

“Tôi không tin rằng Việt Nam không đủ sức thiết kế nên một công thức hiệu quả cho vấn đề này, hay một cấu trúc đặc thù nào đó”, ông nói.

Các nhà đầu tư cũng sẽ nhìn vào chất lượng của những tài sản thế chấp. Hoạt động cho vay trong giai đoạn bùng nổ tín dụng được quản lý yếu kém, điều này dẫn đến tình trạng gian lận và tham nhũng trong các ngân hàng. Bất động sản cần được duy tu và những tài sản như nhà máy, máy móc và tàu thuyền sẽ nhanh chóng mất giá nếu để không.

Hagan cho biết một nhóm 5 khoản vay liên quan mà ông đang xem xét cho một khách hàng tiềm năng lại có chung một tài sản thế chấp là một số lượng sắt thép.

“Tôi không rõ là liệu họ có di chuyển số sắt thép này mỗi lần hay không nhưng họ lại sử dụng cùng số hàng tồn kho đó”, ông nói. “Tay giám đốc chi nhánh ngân hàng kia chắc phải là một gã khờ khạo. Năm người liên tiếp cùng cam đoan về một đống sắt thép mà có lẽ là chẳng tồn tại.”

Nguồn: Business Week / Defend the Defenders




[i] Thay vì tịch thu tài sản thế chấp và sở hữu nó, ngân hàng vờ như khoản nợ kia không có vấn đề gì và tiếp tục gia hạn món vay, bởi rốt cuộc thì người vay mới là người hiểu rõ về cách thức xử lý những vấn đề của tài sản đó hơn ngân hàng. (ND)

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions