Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt: những vấn đề và ý nghĩa then chốt

Lê Hồng Hiệp, UNSW Canberra | 6.8.2013 |

Người dịch: Lê Anh Hùng





Ngày 25.7 vừa qua, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã tới thăm Nhà Trắng lần đầu tiên; tại đây, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt.

Bước đột phá ngoại giao này xem xét ba vấn đề chính: Sự kình địch ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông, tình hình kinh tế ảm đảm của Việt Nam, và hồ sơ nhân quyền của nhà nước cộng sản này.


Đầu tiên, quan hệ đối tác toàn diện mới thiết lập với Hoa Kỳ có thể được xem là một bước tiến mới trong việc củng cố chiến lược rào giậu trước Trung Quốc của Việt Nam và đem lại cho họ nhiều tự tin hơn – và trên thực tế nhiều lựa chọn hơn – trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong bản Tuyên Bố Chung, hai nhà lãnh đạo đã “tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế” và “tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ”. Đồng thời, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như những nỗ lực để đi đến ký kết một bộ Quy tắc Ứng xử (COC).

Việt Nam có thể sẽ nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ phía Hoa Kỳ thông qua các kênh ngoại giao nhằm chống lại áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ quan điểm của Hoa Kỳ, mối quan hệ đối tác toàn diện – và sự ủng hộ ngoại giao mà mối quan hệ này đem lại cho Việt Nam – sẽ góp phần củng cố quan hệ của Hoa Kỳ với quốc gia cộng sản này trong bối cảnh chiến lược tái cân bằng sang Châu Á của Hoa Kỳ cần tới sự ủng hộ mạnh mẽ và kiên định của các quốc gia chủ chốt trong khu vực.

Thứ hai, hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng sớm càng tốt trong năm nay. Trong khi sự tham gia của Việt Nam vào các cuộc đàm phán TPP có thể được thúc đẩy phần nào bởi những toan tính chiến lược, đặc biệt là trong mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc, những lợi ích kinh tế mà Việt Nam sẽ giành được từ việc ký kết TPP lại là động lực lớn nhất khiến họ theo đuổi hiệp định thương mại tự do đa phương này.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng thấp, điều góp phần vào sự bất bình ngày càng tăng của công chúng trước sự cai trị của Đảng CS, các nhà lãnh đạo Việt Nam kỳ vọng việc ký kết TPP sẽ không chỉ kích thích nền kinh tế mà còn cải thiện vị thế chính trị của họ ở trong nước. Cần lưu ý là các nền kinh tế của TPP, hiện gồm cả thành viên mới Nhật Bản, hấp thụ tới 39-40% (45 tỷ USD) tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam năm 2012. Vì Hoa Kỳ vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Việt Nam nên việc có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ thông qua TPP đặc biệt quan trọng đối với quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Sự can dự sâu sắc hơn với Việt Nam về mặt kinh tế thông qua cơ chế TPP cũng nhất quán với lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ, bởi họ đang tìm kiếm thêm cơ hội tiếp cận các thị trường bên ngoài để hỗ trợ nền kinh tế. Bất chấp tình hình kinh tế đang lao đao hiện nay, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là một thị trường và đối tác kinh tế nhiều hứa hẹn đối với Hoa Kỳ. Đồng thời, khuyến khích Hà Nội hội nhập kinh tế sâu hơn cũng phù hợp với những toan tính chiến lược lớn hơn của Hoa Kỳ, kể cả việc tăng cường quan hệ Mỹ-Việt trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy và thúc đẩy Việt Nam tiến gần hơn đến tự do hoá nền kinh tế hay tiến trình dân chủ hoá tiềm tàng trong dài hạn.

Cuối cùng, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn tiếp tục là một trở ngại trong mối quan hệ đối tác mới tuyên bố. Cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo Đảng CSVN có thể coi thúc đẩy nhân quyền là mối đe doạ đối với an ninh của chế độ. Còn với Hoa Kỳ, sự tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức là lựa chọn giữa việc đề cao nhân quyền như một nguyên tắc chủ đạo trong chính sách ngoại giao và việc hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề khi hợp tác với Việt Nam vì lợi ích chiến lược. Chắc chắn vấn đề này sẽ tiếp tục là một thách thức đáng kể đối với việc phát triển mối quan hệ song phương Mỹ-Việt trong tương lai.

Mặc dù một số người có thể lập luận rằng mối quan hệ đối tác chiến lược chứ không phải là đối tác toàn diện mới là những gì mà cuối cùng hai nước cần nỗ lực hướng tới, tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện vẫn là bước tiến lớn nhất trong quan hệ song phương kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995. Quả thực, việc hai bên phân loại mối quan hệ này như thế nào không quan trọng bằng những gì mà họ làm trong thực tế để thúc đẩy lợi ích chung.

Trên phương diện này, việc mối quan hệ song phương Việt-Mỹ phát triển như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhận thức của Đảng CSVN về những cơ hội và rủi ro mà một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ đem đến cho an ninh chính trị của chế độ và mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Trong khi đó, việc Washington đánh giá thế nào về ý nghĩa của vấn đề nhân quyền đối nghịch với những lợi ích kinh tế và chiến lược cụ thể trong mối quan hệ của họ với Hà Nội cũng sẽ đóng vai trò quan trọng như vậy.

Nhận thức của hai bên về các nhân tố then chốt trên đây sẽ không ngừng thay đổi để phản ảnh những bước phát triển trong tương lai ở cả hai nước cũng như ở khu vực Châu Á. Vì thế, quan hệ đối tác toàn diện này cần được nhìn nhận như là sự khởi đầu của một chương mới đầy thú vị trong mối quan hệ song phương Mỹ-Việt hơn là đỉnh điểm của nó.

Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học New South Wales (University of New South Wales), Học viện Quốc phòng Australia, Canberra. Ông còn là chủ biên sáng lập của Nghiencuuquocte.net, một dự án phi lợi nhuận tìm cách thúc đẩy việc nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Việt Nam bằng cách dịch các bài viết học thuật tiếng Anh trong lĩnh vực này sang tiếng Việt.


Nguồn: East Asia Forum / Defend the Defenders

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions