Những ưu tiên khác nhau thách thức quan hệ Mỹ-Việt

Ryan McClure | 15.8.2013 | Người dịch: Lê Anh Hùng




Kể từ khi bình thường hoá quan hệ với Việt Nam năm 1995, Hoa Kỳ đã trở thanh đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở đây. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua. Năm 2018, đất nước này hy vọng sẽ được thừa nhận là một nền kinh tế thị trường và, muộn nhất là năm 2020, trở thành một nước công nghiệp.

Tuy nhiên, cải cách chính trị và bảo vệ nhân quyền đã không diễn ra cùng nhịp độ với tăng trưởng kinh tế. Những vấn đề này đã trở thành mối quan tâm của một số quan chức Hoa Kỳ, những người vẫn tìm kiếm một chính sách ngoại giao chủ động ở Việt Nam để hạn chế tình trạng vi phạm nhân quyền và thúc đẩy pháp quyền (rule of law). Mối quan ngại của họ lại xung khắc với mong mốn của chính quyền Obama là mở rộng sự can dự quân sự và kinh tế với Việt Nam đồng thời biến Việt Nam thành một đồng minh chiến lược ở Đông Nam Á.


Kể từ khi chính quyền Obama thực hiện chính sách tái cân bằng sang Châu Á, Hoa Kỳ đã tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam và Philippines, nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Các hải cảng, vai trò thành viên ASEAN cũng như thị trường đang phát triển của Việt Nam dành cho hàng hoá từ Mỹ có thể biến họ thành một đối tác khu vực quan trọng.

Việc chính quyền Obama ve vãn Việt Nam diễn ra ở một thời điểm đặc thù trong lịch sử khu vực. Mối quan hệ lịch sử của Việt Nam với Trung Quốc gần đây đã xấu đi vì thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Hệ quả là Việt Nam đã tìm đến một số nước để tự bảo vệ mình trước sự thù địch tiềm tàng từ phía Trung Quốc.

Chính quyền Obama đã tăng mạnh các nguồn lực mà Hoa Kỳ phân bổ cho Việt Nam. Trong năm tài khoá 2014, Bộ Ngoại giao đã tăng mức độ tài trợ cho chương trình hỗ trợ giáo dục và đào tạo quân sự quốc tế, cũng như chương trình tài trợ quân sự nước ngoài. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đến Việt Nam nhiều lần; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng từng đến Việt Nam. Tháng Sáu vừa qua, Tướng Martin Dempsey đã gặp người đồng cấp Việt Nam Đỗ Bá Tỵ tại Lầu Năm Góc. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn đang bận bịu đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại tự do hứa hẹn đem lại lợi ích cho nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam.

Chuyến công du gần đây của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ đã nêu bật nỗ lực kéo Việt Nam vào cuộc của chính quyền Obama. Cuối chuyến thăm của Chủ tịch Sang, ông đã công bố bản tuyên bố chung với TT Obama, loan báo về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt nhằm tạo ra một khuôn khổ để thúc đẩy mối quan hệ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear gọi chuyến thăm là một thành công và cho biết các cuộc gặp tiếp theo sẽ được tổ chức từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, cải cách chính trị và nhân quyền lại có khả năng cản trở, nếu không muốn nói là làm lạc hướng, hy vọng của Nhà Trắng về quan hệ đối tác với Việt Nam. Đối với nhiều quan chức chính phủ, đây là những chủ đề khiến cho đàm phán đổ vỡ. Trước chuyến thăm của Chủ tịch Sang, Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện đã tổ chức một cuộc điều trần về quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam, mà tình trạng vi phạm nhân quyền là một trọng tâm. Các thành viên Tiểu ban đã bày tỏ mối quan ngại trước thực trạng chính phủ Việt Nam đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và các nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ gây áp lực buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và pháp quyền.

Chủ tịch Uỷ ban Steve Chabot đã chất vấn là liệu việc chính quyền Obama tài trợ cho việc phát triển quân sự ở Việt Nam là một cách sử dụng khôn ngoan đồng tiền của người đóng thuế. Ông phát biểu thêm là thật khó mà biện minh cho mối quan hệ liên tục với Việt Nam cho đến khi đất nước này “thực thi những cải cách đúng đắn và chứng tỏ cam kết đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân”.

Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương lưu ý rằng ngay cả khi các cuộc đàm phán TPP đạt được một hiệp định cuối cùng, Quốc hội vẫn phải phê chuẩn các cuộc đàm phán đó, và họ sẽ tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng bởi tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Dân biểu Dana Rohrabacher bày tỏ quan ngại rằng Hoa Kỳ không nên tăng cường sức mạnh cho một “chính phủ áp bức ở Việt Nam”.

Các đạo luật đang được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn có thể cản trở mối quan hệ Mỹ-Việt. Trong một phiên thảo luận ngày 27.6, Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện đã thông qua H.R. 1897, một dự luật lưỡng đảng nhằm thúc đẩy tự do và dân chủ ở Việt Nam. Uỷ ban lưu ý rằng sự thụt lùi của Việt Nam về bảo vệ nhân quyền, dân chủ và tự do báo chí có thể đặt ra một giới hạn cho sự can dự của Hoa Kỳ với Việt Nam, bất chấp tầm quan trọng địa chiến lược của quốc gia này.

Đạo luật sẽ ngăn chặn hỗ trợ phi nhân đạo dành cho Việt Nam nếu chính phủ nước này không cải thiện cách hành xử đối với các tù nhân chính trị và tôn giáo. Trong phiên thảo luận, Chủ tịch Ed Royce đã gọi dự luật này là “một thông điệp đầy sức nặng” gửi đến chính phủ Việt Nam.

Bất chấp việc những quan ngại về nhân quyền và cải cách chính trị đã được nêu lên trong chuyến thăm của Chủ tịch Sang, Việt Nam dường như vẫn không sẵn sàng cải thiện tình hình. Chính phủ Việt Nam gần đây đã thông qua một nghị định (Nghị định 72/2013/NĐ-CP) với khả năng tiềm tàng là hạn chế sự bất đồng chính trị trên Internet. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã lên án nghị định này, cho rằng nó “không nhất quán với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như những cam kết của Việt Nam đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”.

Bất chấp những quan ngại chung, giữa chính quyền Obama và Quốc hội dường như vẫn tồn tại hai ngưỡng chấp thuận khác nhau dành cho việc phát triển quan hệ Mỹ-Việt. Chính quyền Obama, vốn bận tâm nhiều hơn với an ninh quốc gia và các liên minh quân sự khu vực, dường như không coi trọng tình hình nhân quyền và chính trị ở Việt Nam bằng các thành viên Quốc hội, những người phải đối mặt với áp lực lớn hơn rất nhiều từ các cộng đồng cử tri, đặc biệt là những người Mỹ gốc Việt. Trước khi Nhà Trắng tiếp tục quan hệ đối tác Mỹ-Việt hay đưa ra cam kết với Việt Nam, Tổng thống cần tham khảo Quốc hội để đảm bảo chính sách đối ngoại của ông sẽ không gặp phải sự phản đối ở trong nước.

Ryan McClure là một luật sư và một blogger về chính sách đối ngoại. Địa chỉ của ông Twitter @The BambooC.


Nguồn: The Diplomat / Defend the Defenders

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions