Tại sao Hoa Kỳ và Việt Nam cần khẩn trương thắt chặt quan hệ?

Alexander Benard & Paul J. Leaf | TheNational Interest | 11.9.2015

Lê Anh Hùng dịch



Bắc Kinh ngày càng cho Hà Nội thấy họ đang khao khát
trở thành cường quốc khuynh loát khu vực và sẽ chà đạp lên
quyền lợi của bất kỳ quốc gia nào ngáng trở tham vọng đó
Quan hệ Mỹ-Việt đã được củng cố mấy năm gần đây, chủ yếu là vì mối quan ngại chung trước thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, một số mặt của mối quan hệ lại tiến triển chậm chạp – điều khiến Trung Quốc tin rằng họ có thể tiếp tục bắt nạt Việt Nam như một phần trong mưu đồ kiểm soát khu vực mà không khơi mào những phản ứng nghiêm trọng. Trên thực tế, Trung Quốc gần đây lại hạ đặt giàn khoan dầu trên vùng biển của Việt Nam, và chỉ mới tuần trước họ còn kéo dài thời gian hoạt động của nó thêm vài tháng. Song hành động khiêu khích mới nhất này, cùng với việc Bắc Kinh loan báo tuần trước rằng họ sẽ dành thêm nhiều nguồn lực để tăng cường năng lực cho hải quân và không quân, lại có thể khiến Hoa Kỳ và Việt Nam triển khai một số thành tố then chốt trong mối quan hệ đối tác đang bắt đầu phát triển.

Bối cảnh chung


Tháng 5.2014, chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Obama kết thúc chuyến công du Châu Á nhằm tái khẳng định cam kết với các đồng minh trong khu vực, Bắc Kinh gần như châm ngòi một cuộc khủng hoảng gần Hoàng Sa, một quần đảo nằm ở Biển Đông đang bị Bắc Kinh chiếm đóng nhưng Hà Nội lại đòi chủ quyền. Với sự hậu thuẫn của “một lực lượng tàu thuyền lớn”, Trung Quốc đã hạ đặt một giàn khoan quốc doanh vào sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến 80 hải lý (theo luật pháp quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế – EEZ – của Việt Nam rộng 200 hải lý tính từ bờ biển). Bắc Kinh cho rằng họ kiểm soát vùng biển này bởi nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà quần đảo Hoàng Sa tạo ra. Việt Nam vào cuộc với khoảng 30 tàu thuyền của mình. Tình thế bế tắc diễn ra sau đó và cứ thế leo thang, khi Trung Quốc phái các lực lượng quân sự đến bảo vệ giàn khoan và tàu thuyền hai bên liên tục va chạm và phun nước vào nhau. Trung Quốc nhấn chìm một tàu Việt Nam. Các cuộc bạo động chống Trung Quốc bùng phát ở Việt Nam. Trung Quốc rốt cuộc rút lui sau khi đã hoàn tất phép thử của mình, song không quên cảnh báo là có thể họ còn quay lại.

Hoa Kỳ gọi hành động của Trung Quốc là “khiêu khích”, song lại không áp đặt biện pháp trừng phạt, tiếp tục cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, từ chối làm trung gian hoà giải cuộc xung đột và không phái lực lượng quân sự nào tới khu vực. Chứng kiến một Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn và nhận ra sức mạnh hải quân vượt trội của Trung Quốc, Việt Nam đã giảm nhẹ cuộc xung đột với nhà đầu tư và là đối tác thương mại lớn nhất của mình, coi đó như là mối bất hoà trong gia đình và nối lại quan hệ quân sự với Trung Quốc. Với một cường quốc khu vực mạnh hơn nhưng không thể ngăn chặn, còn Washington thì tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho các đối thủ rằng họ nên chấp nhận sự trỗi dậy không tránh khỏi của nó.

Để nhấn mạnh thông điệp đó, tháng 6 vừa qua, chỉ vài tuần trước chuyến thăm Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam, Trung Quốc lại triển khai giàn khoan HD981 tại một địa điểm khác thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (nằm trên vùng chồng lấn với EEZ mà đảo Hải Nam tạo ra) để thăm dò tài nguyên thiên nhiên. Bắc Kinh cảnh báo tàu bè nước ngoài phải tránh xa khỏi giàn khoan 2.000m. Ban đầu, cuộc thăm dò dự kiến kết thúc vào ngày 20.8.2015. Tuy nhiên, chỉ mới tuần trước, Trung Quốc lại dịch chuyển giàn khoan tới gần Việt Nam hơn (cách bờ biển Việt Nam 110 hải lý), đồng thời đơn phương kéo dài hoạt động khoan thăm dò thêm hai tháng nữa.

Tại sao động thái của Trung Quốc lại gây rắc rối?

Động thái mới đây của Trung Quốc là đặc biệt đáng báo động, nếu coi đó như một phần trong mô thức hành xử hung hăng kể từ khi họ hạ đặt giàn khoan lần thứ nhất. Mùa Hè vừa qua, Bắc Kinh đã thông báo về việc hoàn tất hoạt động bồi đắp đảo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông cũng như kế hoạch tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự ở đó. Tháng 7, Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận tấn công đảo ở Biển Đông và hàng chục tàu chiến (kể cả lực lượng hạt nhân) cùng máy bay của họ đã bắn đạn thật trên vùng biển này. Tuần trước, trên Biển Nhật Bản, Trung Quốc đã kết thúc cuộc tập trận hải quân lớn nhất với Nga. Tuần này, Trung Quốc tổ chức cuộc diễu binh với những vũ khí tối tân để kỷ niệm chiến thắng Nhật Bản trong Thế chiến II, đồng thời thông báo họ sẽ giảm quy mô lục quân nhằm tập trung thêm nguồn lực cho hải quân và không quân, hai lực lượng ưu thế hơn trong việc áp đặt sức mạnh ở nước ngoài. Và lần đầu tiên, Trung Quốc cho đoàn tàu hải quân của mình diễu qua bờ biển Alaska (chỉ cách bờ 12 hải lý), trùng thời điểm với chuyến công cán của Tổng thống Obama ở đó.

Ý thức được chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thực hiện những bước đi khiêm tốn nhằm củng cố quan hệ. Chẳng hạn, hai nước đã tăng cường tần suất các cuộc tập trận chung cũng như các chuyến thăm cấp cao, Hoa Kỳ đã dành 18 triệu USD để tăng cường sức mạnh cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, và Washington đã nới lỏng quy chế xem xét từng trường hợp trong lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội.

Mặc dù hai nước đều muốn làm nhiều hơn, song cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều chưa hành xử với ý thức khẩn trương cần thiết. Chính quyền Obama ngại không muốn khiêu khích Bắc Kinh – phản ứng câm lặng của họ trước vụ hạ đặt giàn khoan lần thứ nhất và việc họ chưa đi qua vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông là bằng chứng. Washington cũng e ngại quan hệ nồng ấm với Hà Nội khi xét đến hồ sơ nhân quyền nghèo nàn của họ. Trong khi đó, Hà Nội lại gồm hai phái thân Mỹ và thân Tàu đối chọi nhau. Phái thân Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát sân sau của mình mạnh mẽ hơn so với mức độ cam kết của Hoa Kỳ trong việc áp đặt trật tự ở một khu vực xa xôi. Phái này vì thế nghi ngờ sự sẵn sàng cũng như khả năng của Washington trong việc đối đầu với Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh Hoa Kỳ đang bị níu chân ở những khu vực khác trên thế giới và cắt giảm chi tiêu quân sự.

Dù vậy, hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc lại đem đến một cơ hội để vượt qua những trở ngại này. Bắc Kinh ngày càng cho Hà Nội thấy rằng họ đang khao khát trở thành cường quốc khuynh loát khu vực và sẽ chà đạp lên quyền lợi của bất kỳ quốc gia nào ngáng trở tham vọng đó. Đây là một luận cứ mạnh mẽ cho những ai tìm kiếm mối quan hệ Việt-Mỹ sâu sắc hơn.

Phái thân Mỹ cần ngay lập tức thúc đẩy việc cho phép Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn đến các cơ sở quân sự của Việt Nam. Việt Nam có thể giữ quyền kiểm soát chúng, song họ cần trao cho các lực lượng của Hoa Kỳ quyền tiếp cận luân phiên và cho phép Hoa Kỳ xây dựng xây dựng hạ tầng mới và lắp đặt sẵn thiết bị. Washington có thể áp đặt sức mạnh ở Biển Đông dễ dàng hơn và hành vi sách nhiễu Hà Nội của Bắc Kinh sẽ bị ngăn chặn. Việt Nam cũng cần cho phép hải quân Hoa Kỳ ghé thăm cảng nhiều hơn (hiện bị giới hạn mỗi năm một lần) và trao cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận vịnh Cam Ranh, cảng nước sâu quan trọng nhất của họ về mặt chiến lược.

Trên bình diện kinh tế, Hà Nội cần tiếp tục thực thi những cải cách mà Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi. Đây là hiệp định tự do thương mại mà 12 nước thuộc vành đai Thái Bình Dương đang đàm phán. Bằng cách tham gia TPP, Việt Nam có thể giảm bớt sự lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, qua đó đem lại cho họ nhiều tự do hơn trong việc theo đuổi những lợi ích quốc gia, ngay cả khi chúng xung đột với lợi ích của Trung Quốc. Cuối cùng, Việt Nam phải cải thiện tình hình nhân quyền nhằm thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn với Hoa Kỳ.

Về phần mình, Washington phải có đi có lại. Thứ nhất, thậm chí sau khi nới lỏng phần nào lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc củng cố khả năng quân sự của Việt Nam do những quan ngại về nhân quyền. Hoa Kỳ cần tiếp tục thúc đẩy Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền trong khi sẵn sàng cung cấp cho Hà Nội công nghệ giám sát hàng hải cũng như những công nghệ hải quân khác, vốn không đe doạ người dân Việt Nam. Thứ hai, Tổng thống Obama cần đưa Biển Đông và việc Trung Quốc đối xử tệ hại với Việt Nam thành những tâm điểm đàm phán trong chuyến thăm Washington tới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, qua đó phát tín hiệu cho Việt Nam thấy rằng Hoa Kỳ coi những hành động gây hấn này là nghiêm trọng và không e ngại đối đầu với Trung Quốc. Thứ ba, Hoa Kỳ cần đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các mối quan hệ an ninh khu vực, kể cả bằng cách khuyến khích họ cùng phát triển vũ khí, mời họ tham gia vào các cuộc tập trận đa quốc gia cũng như tiến hành tuần tra hàng hải chung, và thúc đẩy họ mua vũ khí từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Việc dần dần đưa Việt Nam rời xa công nghệ quân sự của Nga (Moscow hiện là nhà cung cấp vũ khí chính của Hà Nội) cũng sẽ giúp tăng cường khả năng vận hành tương hợp (interoperability) của Việt Nam với Hoa Kỳ và đồng minh, đồng thời thúc đẩy hợp tác quân sự giữa các quốc gia này. Thứ tư, Hoa Kỳ phải sớm kết thúc TPP; điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, trên phương diện chiến lược cũng như kinh tế.

Hà Nội có thể trở thành một trong những đối tác tốt nhất của Washington để chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông, tiếp giáp với Trung Quốc, dân số đông thứ 14 trên thế giới, lực lượng quân sự thường trực đứng thứ 13 thế giới, và nếu xét tỷ lệ ngân sách quốc phòng trên GDP thì đây là quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều thứ hai Đông Nam Á. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo là sẽ đứng thứ 17 thế giới trong 10 năm tới. Với một lịch sử thường giành chiến thắng trong các cuộc đối đấu với những kẻ thù lớn hơn và được vũ trang tốt hơn, Việt Nam sẽ là một đối tác quân sự hùng mạnh của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ và Việt Nam phải thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên. Điều đó sẽ phát đi tín hiệu rằng Washington vẫn giữ cam kết chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy trong bối cảnh các quốc gia khu vực còn giữ lập trường chung chung, khi họ không chắc chắn là liệu Hoa Kỳ có đủ khả năng đối mặt với sự gây hấn của Bắc Kinh hay không. Một mối quan hệ đối tác Mỹ-Việt vững mạnh có thể còn góp phần hạn chế chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc bằng cách cho Bắc Kinh thấy hành vi của họ phản tác dụng như thế nào – thậm chí còn khiến các cựu thù liên minh lại để chống lại họ.

Alexander Benard là giám đốc điều hành của Schulze Global Investments, một hãng chứng khoán tư nhân, tập trung vào các thị trường cận biên (frontier markets). Paul J. Leaf là luật sư tại một hãng luật quốc tế.


Nguồn: Việt Nam Thời Báo

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions