Trái khoáy chuyện trồng lúa ở Việt Nam

Người nông dân Việt Nam đang canh tác thứ cây trồng không còn mang lại lợi nhuận Hanoi & Chau Doc | The Economist | 18.1.2014
Người dịch: Lê Anh Hùng



Tiềm năng của núi Sam (một ngọn núi ở đồng bằng sông Cửu Long) quả là vô hạn định. Những cánh đồng lúa xanh rờn. Những con kênh tưới tiêu lấp loáng ánh mặt trời. Cứ mỗi năm ba lần, những người nông dân ở các thị tứ xung quanh lại mang ủng cao su cấy lúa trên những thửa ruộng thấp trũng. Vài tháng sau, họ lại bán các bao tải lúa cho tư thương, những người sẽ mang đến các nhà máy ven sông để xay xát. Về cơ bản, hoạt động này cũng diễn ra vô hạn định.

Trồng lúa là hoạt động đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt. Tháng 9.1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập với người Pháp, Hồ Chí Minh đã phát biểu với nội các của mình rằng ứng phó với vụ mất mùa trên diện rộng là nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ. Sau đấy, ông tiến hành tập thể hoá các cánh đồng lúa. Trong thập niên 1980, những người kế tục ông đã thúc đẩy các giống lúa lai và hệ thống tưới tiêu hiện đại. Ngày nay, 4 tỷ USD gạo xuất khẩu (xem đồ thị) của Việt Nam chiếm hơn 20% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.


Các quan chức lãnh đạo đảng vẫn đắc ý với chính sách nông nghiệp dành ưu tiên cho lúa gạo của mình. Tuy nhiên, nông dân thì ngày càng bị tụt hậu. Một phần của vấn đề nằm ở chỗ các giống lúa của Việt Nam thường có chất lượng trung bình hoặc thấp – tương phản với một loạt giống lúa thượng hạng được gieo trồng ở Thái Lan. Chi phí nhiên liệu, phân bón và thuốc trừ sâu đang tăng lên. Trong khi đó lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam lại chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cùng các quan chức tham nhũng. Một số nông dân, đặc biệt là ở miền Bắc, nhận thấy là ruộng đất để hoang hoá còn có lợi hơn.

Ở An Giang, một tỉnh nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, một gia đình bình quân kiếm được 100USD mỗi tháng từ trồng lúa, tức khoảng 1/5 thu nhập của người trồng cà phê ở Tây Nguyên – Oxfam (một tổ chức cứu trợ) cho biết. Trần Văn Nghĩa, một người trồng lúa gần núi Sam, nói rằng những người trẻ ở quanh khu vực của ông kiếm thêm thu nhập ngoài đồng ruộng bằng cách khuân vác ở khách sạn hay làm công nhân xây dựng ở Tp Hồ Chí Minh và các trung tâm đô thị khác.

Những khó khăn của ngành lúa gạo Việt Nam rất có thể sẽ còn tồi tệ thêm. Myanmar, vốn là vựa lúa gạo của Đông Nam Á trước kia, lại đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu. Phần lớn lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam được bán trực tiếp cho chính phủ các nước, nhưng một số những khách hàng lớn nhất của họ, kể cả Indonesia và Philippines, lại đang thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Arup Gupta, một thương nhân ở Tp Hồ Chí Minh, bổ sung thêm rằng, như một hệ quả của chính sách trợ cấp cho nông dân trồng lúa (một chính sách ngược đời và đắt đỏ) ở Thái Lan, Việt Nam đang bị bán phá giá khi Thái Lan giải phóng các kho gạo với giá rẻ.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất khoảng một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam, đang cho thấy những dấu hiệu của áp lực về môi trường. Những con đê vốn được đắp để ngăn lũ cho các cánh đồng lúa lại ngăn những cơn lũ chứa đầy phù sa của sông Mê Kông bổ sung dưỡng chất cho đồng bằng.

Võ Tòng Xuân, một chuyên gia về lúa gạo và từng cố vấn cho chính phủ về chính sách nông nghiệp, tính toán rằng nhiều thửa ruộng ở các khu vực trồng lúa của Việt Nam hiện bạc màu tới mức người ta không thể ngay lập tức chuyển chúng sang mục đích sử dụng khác, chẳng hạn như trồng ngô. Những vấn đề khác, ông nói, bao gồm cả tình trạng thiếu đại diện của người nông dân trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vốn đầy quyền sinh quyền sát, cũng như sự chống đối cải cách của các DNNN chuyên xuất khẩu lúa gạo, bởi cải cách đồng nghĩa với việc giảm bớt lợi nhuận của họ. Hiến pháp mới của Việt Nam, vốn được thông qua vào cuối tháng 11.2013 và quy định khối DNNN giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, đã không cải thiện được gì.

Phần lớn ruộng đất ở nông thôn bị phân thành những thửa nhỏ. Một nông dân Việt Nam bình quân canh tác chừng hơn 0,5 ha chút ít, trong khi kích thước thửa ruộng lý tưởng là từ 2-3 ha.

Dù vậy, Luật Đất đai mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng Bảy sẽ đem lại cho nhiều nông dân quyền sử dụng ruộng đất trong 50 năm, một bước tiến lớn so với thời hạn 20 năm hiện hành. Thời hạn sử dụng đất dài hơn có thể giúp tạo ra những cánh đồng lớn hơn chuyên canh những thứ cây trồng khác ngoài lúa. Tuy nhiên, chính phủ lại vẫn cứng nhắc duy trì chính sách đảm bảo khoảng 90% đất trồng lúa hiện tại cho chuyên canh lúa.

Điều này có thể hiểu được nếu Việt Nam vẫn phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, như đã từng xẩy ra vào đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, 1/3 sản lượng lúa gạo của Việt Nam lại được xuất khẩu – thậm chí còn nhiều hơn thế nếu người ta tính cả giá trị xuất khẩu không chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi đó, gạo lại đang giảm tỷ lệ trong khẩu phần ăn của cả nước; tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy bắt đầu làm quen với sở thích thịt và bánh mì. Tháng tới tại Tp Hồ Chí Minh, con rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ khai trương cửa hàng McDonald’s đầu tiên ở Việt Nam. Đối thủ cạnh tranh nội địa của nó, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh với sản phẩm chính là “VietMac” (một loại bánh burger từ gạo), đang phải đối mặt với nhiều khó khăn./.


Nguồn: The Economist / DefendThe Defenders

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions