Việt Nam và thế giới: Trọng tâm là Hoa Kỳ và Ấn Độ | Phân tích

Rajaram Panda | 12.8.2013 |

Người dịch: Lê Anh Hùng

   
Giới thiệu

Trong số những hoạt động ngoại giao cấp tập diễn ra suốt ba bốn tháng qua ở Châu Á – Thái Bình Dương, chuyến công du của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ từ 24 ¸ 27.7.2013 và cuộc gặp thượng đỉnh của ông với Tổng thống Barack Obama đã không nhận được sự chú ý đáng có của giới phân tích và truyền thông. Tầm quan trọng của chuyến thăm trong bối cảnh lập trường quyết đoán của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trong khu vực, mối quan ngại của Việt Nam trước yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông và chính sách “xoay trục” sang Châu Á của TT Obama không thể bị coi nhẹ. Chuyến thăm của Chủ tịch Sang diễn ra giữa lúc Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc quyết định tương lai của mình. Obama đã tận dụng cơ hội này để thuyết phục Chủ tịch Sang dẫn dắt một lộ trình vì dân chủ, cho dù ở giai đoạn chuyển tiếp này việc quân đội kiểm soát chính phủ một thời gian ngắn có thể là điều đáng mong muốn, như đã từng xẩy ra với Đài Loan và Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối từ các nhà hoạt động nhân quyền.


Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Sang tới Washington và mới chỉ là chuyến thăm thứ hai của một Chủ tịch Việt Nam tới Phòng Bầu dục kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ ngoại giao ngày 11.7.1995. Việt Nam đã rút ra bài học rằng trong ngoại giao không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có bạn bè. Lịch sử thật trớ trêu khi mà gần 4 thập niên sau chiến tranh, Việt Nam lại ngày càng trông chờ vào Hoa Kỳ để tìm kiếm sự đảm bảo chiến lược trước mối đe doạ rõ rệt từ Trung Quốc. Nỗi bất an của Việt Nam bắt nguồn từ lập trường hiếu chiến của Trung Quốc thời gian gần đây, đặc biệt là những yêu sách ở Biển Đông và việc họ vi phạm những quy tắc ứng xử quốc tế mà không bị trừng phạt. Nếu xét đến điều này thì ở đây có sự đồng thuận nhận thức ngày càng tăng rằng Trung Quốc đang đặt ra một mối đe doạ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.


Liệu Hoa Kỳ có nhận ra cơ hội này để thuyết phục Việt Nam chuyển hoá sang một hệ thống dân chủ, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đang góp phần vào sự dựa dẫm ngày một nhiều của Việt Nam vào thương mại và đầu tư của Mỹ? Sự thân thiện ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mở ra một cánh cửa cơ hội cho thay đổi dân chủ ở Việt Nam. Các tổ chức xã hội dân sự nhận thấy sự chông chênh của Việt Nam bắt nguồn từ thái độ hung hãn thường trực của Trung Quốc bởi Việt Nam không thể một mình kháng cự nổi sự hung hãn của Trung Quốc. Việt Nam cần bạn bè. Vì vậy, họ đã và đang đưa ra những quyết định sáng suốt là bắt tay với Hoa Kỳ và các nước ASEAN khác nhằm hình thành nên một mặt trận chung để ứng phó với thách thức mang tên Trung Quốc. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới Ấn Độ đầu tháng 7.2013 cũng cần được nhìn nhận từ góc độ đó. Điều này là bởi cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều đang hợp tác với nhau để tăng cường mối quan hệ chiến lược vì hoà bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.


Môi trường chiến lược xung quanh Việt Nam đang biến chuyển nhanh chóng và những thay đổi về chính trị - xã hội cũng đang tác động đến cuộc đối thoại về chính sách ngoại giao của Việt Nam. Sau hàng thập niên nằm dưới chế độ độc tài quân sự, Myanmar đang tiến hành chuyển đổi hệ thống và sự chuyển tiếp từ từ sang chế độ dân chủ đang được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Ban lãnh đạo Myanmar đang thực hiện lời hứa là phóng thích toàn bộ số tù nhân chính trị trước khi năm 2013 kết thúc, để chứng kiến “tất cả mọi người đều có thể đóng góp vào sự đi lên của đất nước”. Campuchia, láng giềng của Việt Nam, cũng đã tổ chức các cuộc bầu cử, và nhà lãnh đạo đối lập của họ đã được phép quay trở lại đất nước sau một thời gian lưu vong. Những biến chuyển này đặt Việt Nam vào tình thế phải lựa chọn lộ trình cho mình. Bất chấp bản chất gan dạ của quân đội Việt Nam khi đối đầu với bất kỳ mối đe doạ bên ngoài nào, ở đây vẫn có những giới hạn. Người dân nói chung cần phải được tham gia vào đời sống chính trị, tức là quan điểm và ý kiến của những người bất đồng chính kiến và phía đối lập phải được tôn trọng nhằm đạt được một sự đồng thuận quốc gia về kiểu chiến lược mà Việt Nam áp dụng cho chính sách ngoại giao của mình.


Liệu Myanmar có thể là một tấm gương cho đổi thay ở Việt Nam hay không? Trong khi những biến chuyển ở Myanmar là do sự thúc đẩy bên trong, những gì Việt Nam cần lại là áp lực bên ngoài và điều đó có thể làm nên sự khác biệt. Những người có đầu óc cải cách trong chính phủ, vốn là một nhóm thiểu số, cần được tham gia vào quá trình ra quyết định.


Chủ tịch Sang đã đạt được gì từ chuyến thăm Mỹ? Thành quả rõ rệt lớn nhất là việc nâng cấp quan hệ song phương lên “mối quan hệ đối tác chiến lược”. Quả thực, một trong những mục tiêu ngoại giao của Việt Nam là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Trong một bài phát biểu ngày 24.7 vừa qua, Chủ tịch Sang đã bày tỏ là Việt Nam mong muốn được nhìn thấy dấu ấn mạnh mẽ hơn của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ông nhận xét: “Trong bối cảnh khu vực và thế giới đang biến chuyển, các cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ, có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc xử lý những điểm nóng ở khu vực như Biển Đông.” Mặc dù nhiều thành viên Quốc hội hối thúc Nhà Trắng nắm bắt lấy cơ hội này và thúc đẩy một sự thay đổi ở Việt Nam để đem lại lợi ích cho nhân dân Việt Nam, người ta vẫn còn chưa rõ là Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ cân bằng như thế nào giữa nhân quyền, thương mại cùng những cân nhắc địa chính trị mà nhiều nước trong khu vực, đáng kể là Trung Quốc, sẽ dõi theo.


Ý nghĩa của tuyên bố chung


Trong bản tuyên bố chung ngày 25.7, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định cam kết của họ là mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. Chuyến thăm của Chủ tịch Sang diễn ra vào một thời điểm quan trọng với cả hai nước, phản ảnh một mong muốn chung là xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai quốc gia. Hai nhà lãnh đạo quyết định thiết lập mối Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt để tạo một khuôn khổ chung nhằm thúc đẩy mối quan hệ. Họ nhấn mạnh các nguyên tắc của mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt, trong đó có sự tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền cùng sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Họ phát biểu rằng mối quan hệ đối tác toàn diện này nhằm mục đích đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ đối tác toàn diện mới này sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực như quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ kinh tế và thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, sức khoẻ và môi trường, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, và văn hoá, thể thao và du lịch.


Hợp tác chính trị và ngoại giao


Như một phần của mối quan hệ đối tác toàn diện, hai bên đã nhất trí tăng cường hoạt động trao đổi cấp cao cũng như các cuộc tiếp xúc ở tất cả các cấp, và đẩy mạnh các cơ chế đối thoại và hợp tác. Chủ tịch Sang hoan nghênh việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác ở Châu Á – Thái Bình Dương, đóng góp vào hoà bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cuộc đối thoại thường xuyên giữa hai bộ trưởng ngoại giao, và khuyến khích các cuộc đối thoại và trao đổi giữa các thực thể gắn với các đảng phái chính trị ở hai nước.


Cả hai đồng ý tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, bao gồm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), để thúc đẩy hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả những quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển. Họ cũng tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với nguyên tắc không sử dụng bạo lực hay đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và hàng hải. Họ nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tầm quan trọng của việc khởi động các cuộc đàm phán nhằm đi đến ký kết một bộ Quy tắc Ứng xử (COC) hữu hiệu.


Quan hệ kinh tế và thương mại


Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, hai nhà lãnh đạo nhắc lại các cuộc thảo luận ở Campuchia vào tháng 11/2012, và tái khẳng định cam kết ký kết một hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện với chuẩn mực cao càng sớm càng tốt trong năm 2013. Người ta mường tượng ra rằng một hiệp định TPP của thế kỷ 21 sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, tăng tiến các mục tiêu phát triển và tạo ra việc làm ở Hoa Kỳ, Việt Nam, và tất cả các nước thành viên TPP, trong khi vẫn tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên trong bối cảnh một gói điều khoản bao hàm và cân bằng.


Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những nỗ lực liên tục nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Họ nhận mạnh giá trị quyết định của những nỗ lực như thế đối với việc thúc đẩy quan hệ song phương, và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế như một nền tảng và động lực cho quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt mới. Hai vị nguyên thủ đồng ý tăng cường hợp tác theo Hội đồng Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Mỹ-Việt (TIFA) cũng như theo sáng kiến Tăng cường Hợp tác Kinh tế ASEAN (ASEAN Enhanced Economic Engagement) và trong APEC nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện song phương và những mục tiêu chung trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC, và các diễn đàn ASEAN. Tổng thống Obama hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế và ghi nhận mối quan tâm của Việt Nam trong việc đạt được quy chế quốc gia kinh tế thị trường. Ông cam kết tăng cường sự can dự mang tính xây dựng của Hoa Kỳ với Việt Nam trong những cải cách kinh tế ở đây. Hai nhà lãnh đạo thừa nhận ý định của Việt Nam muốn tham gia CôngướcCape Town về Lợi ích Quốc tế Đối với Thiết bị Di động (CTC).


Trong khi thừa nhận tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế, hai nhà lãnh đạo đã đề cập đặc biệt đến biên bản ghi nhớ được ký giữa Petro Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam; thoả thuận khung về dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh ngoài khơi Việt Nam giữa Tập đoàn Exxon Mobil và Petro Việt Nam; thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn Murphy Oil và Tổng Cty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); biên bản ghi nhớ giữa Cty Metropolitan Life Insurance (MetLife) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); và sự đồng ý về mặt nguyên tắc của Bộ Tài chính Việt Nam về việc thành lập một công ty quản lý quỹ của ACE Insurance.


Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết hiệp định thương mại song phương lịch sử năm 2001. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 50 lần kể từ năm 1995. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gần 500%. Cùng với Việt Nam và các nước khác trong khu vực, Hoa Kỳ đang nỗ lực để ký kết một hiệp định TPP lịch sử, một hiệp định thương mại chuẩn mực cao của thế kỷ 21 để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, thịnh vượng và cơ hội cho người dân của tất cả các nước thành viên.


Quốc phòng và an ninh


Hợp tác về các vấn đề quốc phòng và an ninh là một khía cạnh mới trong quan hệ Việt-Mỹ. Một biên bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương đã được ký kết năm 2011 và hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết thực thi đầy đủ biên bản đó ghi nhớ đó. Hai bên nhất trí rằng Đối thoại Chính sách Quốc phòng Mỹ-Việt vẫn tiếp tục diễn ra và các cơ hội để đánh giá quan hệ quốc phòng và an ninh để hợp tác trong tương lai vẫn được để ngỏ. Những lĩnh vực hợp tác khác đã được xác định là tăng cường năng lực, chẳng hạn như trong hoạt động tìm kiếm, cứu trợ và phản ứng trước thảm hoạ. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống và nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa để chống khủng bố; tăng cường hợp tác thực thi luật biển; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm cướp biển, buôn lậu ma tuý, động vật hoang dã và buôn người; và đối phó với tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ và TT Obama hoan nghênh sáng kiến đó. Về phần mình, TT Obama nhấn mạnh mong muốn của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ công tác đào tạo và trợ giúp khác cho nỗ lực này thông qua Sáng kiến Hoạt động Hoà bình Toàn cầu (GPOI).


Hội nhập với thế giới


Việt Nam đã tự chuyển hoá nên đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã loan báo ý định tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ vào năm 2014. Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề an ninh hàng hải và hỗ trợ nhân đạo cũng như năng lực cứu trợ nhân đạo. Về phần mình, Hoa Kỳ đang tập trung vào các chương trình hỗ trợ của họ về thích nghi (adaptation), năng lượng sạch, phát triển bền vững nhằm ứng phó với tình trạng dễ bị tổn thương của Việt Nam trước hiện tượng biến đổi khí hậu. Chủ đề Sáng kiến Hạ vùng Sông Mekong đã được thảo luận tại Hội nghị APEC gần đây ở Brunei.


Quá trình bình thường hoá bắt đầu với Tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush, người – cùng với Brent Scowcroft – đã đưa ra những quyết định dũng cảm để thúc đẩy quá trình và dỡ bỏ một lệnh cấm vận, và kết thúc với Tổng thống Clinton, người không chỉ đi đến bình thường hoá mà còn thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Việt Nam năm 2000. Bốn mươi năm trước, hàng trăm ngàn người Mỹ chiến đấu trên những cánh đồng và dòng sông ở Việt Nam. Ngày nay, hàng trăm ngàn người Mỹ đang tìm đến thị trường và các di tích lịch sử của Việt Nam. Mối quan hệ song phương đã trải qua một chặng đường dài.


Sau 25 năm cải cách, từ một nước chậm phát triển, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài và về đích trước thời hạn với một số Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Chính sách của Việt Nam được sắp đặt để duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, tái cấu trúc nền kinh tế, và đẩy mạnh cải cách hành chính và chống tham nhũng. Về đối ngoại, Việt Nam đang theo đuổi chính sách hội nhập quốc tế tích cực và chủ động, tiếp sau vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ hai năm 2008-2009 và vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010.


Việt Nam đang ngày càng can dự sâu hơn với một số tổ chức đa phương, bên cạnh việc chuẩn bị tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ. Việt Nam thực sự muốn trở thành một thành viên có trách nhiệm và đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, với những đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế nhằm duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh khu vực và thế giới không ngừng thay đổi, các cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ, có một vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc giải quyết những điểm nóng ở khu vực như Biển Đông và các vấn đề quốc tế như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, v.v. Điều này đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Châu Á – Thái Bình Dương và chính sách “xoay trục” sang Châu Á của họ.


PHẦN II


Một diễn biến quan trọng khác trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là họ đang phát triển mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ, mối quan hệ mà cả hai nước đều nhận thấy những lợi ích bổ sung cho nhau và tương đồng. Về phía Ấn Độ, quan hệ với Việt Nam chiếm vị trí đặc biệt trong chính sách ngoại giao của của họ, và đã phát triển thành mối quan hệ đối tác chiến lược. Giống như Aung San Suu Kyi của Myanmar (bố bà từng công tác ở Ấn Độ và bà được giáo dục ở đây), Bộ trưởng Ngoại giao hiện nay của Việt Nam, Phạm Bình Minh, cũng sinh ra ở Ấn Độ, nơi bố ông từng là một nhà ngoại giao. Đáng ngạc nhiên là so với truyền thông Trung Quốc, truyền thông Ấn Độ lại đưa tin ít hơn về chuyến thăm của Phạm Bình Minh tới Ấn Độ tháng Bảy năm 2013.


Liệu đấy có phải là chính sách hữu ý của Ấn Độ khi họ hạ thấp tầm quan trọng của chuyến thăm vì xét tới phản ứng của Trung Quốc trước thương vụ khai thác dầu mỏ Ấn-Việt trên Biển Đông? Dẫu cho đó có thể không phải là sự thật thì Trung Quốc cũng không lấy gì làm thoải mái với cam kết của Việt Nam vì một quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ hay việc Việt Nam vạch ra một lộ trình tương lai nhằm tăng cường mối quan hệ này.


Bộ trưởng Quốc phòng A K Antony và Ngoại trưởng Ấn Độ đã tái khẳng định cam kết của Ấn Độ là ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Vì thế mà thật tự nhiên khi bài phát biểu của Phạm Bình Minh tại Hội đồng Thế giới vụ của Ấn Độ lại được đặt một cái tên xác đáng là “Tăng cường quan hệ Việt-Ấn vì hoà bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Vị ngoại trưởng phát biểu nhiều về hai chủ đề chính: những biến chuyển trên thế giới và trong khu vực tác động đến môi trường an ninh Châu Á, và vai trò của Ấn Độ ở ASEAN trong sự biến chuyển của cấu trúc khu vực. Ông phác hoạ sự chuyển dịch quyền lực toàn cầu sang Châu Á và sự chú ý thường trực của các cường quốc chính tới khu vực Châu Á. Ông chỉ ra bốn diễn biến chính tác động đến việc định hình môi trường an ninh Châu Á. Đó là (a) sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc, (b) sự tái cân bằng lực lượng chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương, (c) chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, và (d) vai trò lớn hơn của Nhật Bản. Chính trong bối cảnh này, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm to lớn trong việc tuân thủ và tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế cũng như đặt niềm tin vào quá trình đối thoại đa phương nhằm giải quyết bất kỳ xung đột nào.


Vị ngoại trưởng tập trung vào sự trỗi dậy của Châu Á và những thay đổi sâu sắc đang diễn ra ở Châu Á và thế giới, cũng như cách thức mà cả Ấn Độ lẫn Việt Nam được định vị để ứng phó trước những đổi thay này. Quả thực, “cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đưa đến những thay đổi về cấu trúc trong nền kinh tế toàn cầu, trong các mô hình và chiến lược tăng trưởng, trong các xu hướng của thị trường sản phẩm chế tạo, thị trường hàng tiêu dùng và thị trường tài chính, và trong tính kết nối ngày càng tăng của các nền kinh tế và khu vực”. Bản chất của chính trị cường quyền đã thay đổi một cách cơ bản khi các nền kinh tế mới nổi đảm trách vai trò mới của chúng. Kết quả là mối quan hệ giữa các cường quốc chính không còn là địa hạt riêng của các quốc gia công nghiệp hàng đầu trong bối cảnh xuất hiện những đấu thủ mới tìm kiếm một vai trò lớn hơn và quyết đoán hơn.


Châu Á đã trở thành trung tâm của sức hút, động cơ của tăng trưởng và phục hồi kinh tế của thế giới. Bất chấp sự đi xuống của nền kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế Châu Á vẫn đạt được mức tăng trưởng cao. Chẳng hạn, năm 2012 Châu Á tăng trưởng 7,6%. Một đặc điểm đáng chú ý của tăng trưởng ở Châu Á là sự nổi lên đồng thời của chủ nghĩa khu vực (regionalism). Thế giới hiện có tổng cộng 76 hiệp định thương mại tự do (FTA) và Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu thế giới về động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa lúc vòng đàm phán Doha không đạt được tiến bộ. Trong những năm tới, số lượng FTA và các hình thức liên kết kinh tế khác sẽ tiếp tục gia tăng. Chẳng hạn, cùng với quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN, ở đây đang dần dần xuất hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực Thương mại Tự do Đông Bắc Á, Diễn đàn Tăng cường Hợp tác Kinh tế giữa ASEAN và Hoa Kỳ, và Diễn đàn Hợp tác Tiểu vùng Sông Mekong. Phạm vi hoạt động trong ASEM và APEC nay đã bao hàm cả những chủ đề phi truyền thống.


Ấn Độ đã áp dụng một lập trường có nguyên tắc về an ninh và tự do hàng hải dọc theo các tuyến hàng hải chính và về sự cần thiết phải xuống thang căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua cơ chế đối thoại, đây là một sự phản đối trước cách tiếp cận xử lý song phương của Trung Quốc. Về cấu trúc khu vực và vai trò của ASEAN và Ấn Độ, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu rõ những trông đợi của Việt Nam và ASEAN từ Ấn Độ trong việc áp đặt ảnh hưởng và sử dụng những ảnh hưởng về chính trị, kinh tế và chiến lược của họ nhằm đảm bảo hoà bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.


Trên phương diện kinh tế, Ấn Độ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần vào trăng trưởng khu vực “thông qua mạng lưới ngày một dày đặc của những FTA và PTA (khu vực thương mại ưu đãi) với ASEAN và các nước khác cũng như dòng đầu tư hai chiều ngày càng tăng với phần còn lại của Châu Á”. Để theo đuổi chính sách Hướng Đông, Hiệp định Đối tác Chiến lược Ấn Độ-ASEAN vì Hoà bình và Thịnh vượng chung đã được thiết lập năm 2012. Sự kiện này đã đưa quan hệ hợp tác của Ấn Độ với Việt Nam và ASEAN nói chung lên tầm cao mới. Quả thực, sự hiện diện của Ấn Độ ở Đông Nam Á đã trở nên rõ rệt trong nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác quốc phòng và năng lượng. Những số liệu thống kê ấn tượng chứng thực cho điều này: Kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 80 tỷ USD năm 2012. Hiệp định Thương mại Tự do về Hàng hoá giữa Ấn Độ và ASEAN đã tạo ra một mối liên kết giữa hai thị trường khổng lồ với 1,8 tỷ người tiêu dùng và giá trị GDP gộp 3 tỷ USD.


Vị Ngoại trưởng nhận xét: “Về mặt chiến lược, Ấn Độ chiếm giữ một vị trí địa chính trị bao trùm không gian lục địa và đại dương giữa Đông và Tây. Là nước sáng lập và là thành viên lãnh đạo của Phong trào Không liên kết, Ấn Độ có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng các quốc gia đang phát triển. Ấn Độ và mối quan hệ của họ với các cường quốc khác đã từ lâu hình thành nên một bộ  phận của cấu trúc an ninh khu vực. Quan trọng hơn, Ấn Độ đang chứng tỏ là họ nằm trong số những quốc gia dẫn đầu với tầm quan trọng và ảnh hưởng toàn cầu.”


Bất chấp tiến bộ ấn tượng đó, ở đây vẫn còn tiềm năng rất lớn và có thể được tận dụng, khai thác hơn nữa. Những sáng kiến liên khu vực như sáng kiến kết nối Sông Mekong – Sông Hằng và kết nối giữa ASEAN và Hiệp hội Nam Á vì Hợp tác Khu vực (SAARC) là những lĩnh vực mà ở đó Ấn Độ có thể hỗ trợ một cách nhiều ý nghĩa, chẳng hạn như hợp tác trong Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong mà Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là thành viên, và những sáng kiến nhằm kết nối về hạ tầng, đất đai và vận tải hàng hải. Thừa nhận sự can dự của Ấn Độ với ASEAN về mặt chính trị và kinh tế, với tư cách một thành viên ASEAN trách nhiệm và chủ động, Việt Nam sẵn sàng đi đầu trong công cuộc hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ.


Ở cấp độ song phương, cả Ấn Độ và Việt Nam đều quý trọng lịch sử tương tác lâu đời giữa họ. Nền văn minh Ấn Độ đã để lại những dấu ấn hữu hình và vô hình trong văn hoá Việt Nam. Kể từ khi nước Việt Nam hiện đại ra đời năm 1945, Việt Nam đã coi Ấn Độ như một người bạn thuỷ chung và ngược lại. Được vun đắp qua bao năm tháng, sự tin cậy lẫn nhau là di sản quan trọng nhất đã củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ này chỉ trở nên bền chặt khi Việt Nam đã trải qua một giai đoạn nhiều biến động, một tầm nhìn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru từng thúc đẩy và hướng tới.


Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, được thiết lập năm 2007, đã nêu rõ 5 trụ cột hợp tác. Đó là hợp tác chính trị, quốc phòng và an ninh; hợp tác kinh tế và thương mại; quan hệ chặt chẽ hơn về thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ; hợp tác về văn hoá và kỹ thuật; và hợp tác ở các diễn đàn đa phương và khu vực. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ năm 2011 của Chủ tịch Sang, Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí về những bước đi và mục tiêu cụ thể hơn mà cả hai bên cần bắt tay vào. Một trong số đó là mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm lên 7 tỷ USD trước cuối năm 2015.


Các cuộc viếng thăm song phương của các nhà lãnh đạo hàng đầu đã mở đường cho việc củng cố và thúc đẩy quan hệ song phương. Kapil Sibal, Bộ trưởng Công nghệ Truyền thông và Thông tin Ấn Độ, thăm Việt Nam tháng 6/2013 và đã đạt được một số thoả thuận với người đồng cấp Việt Nam. Trong những năm tới đây, Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ thông tin (IT) như một nền tảng cho mô hình phát triển mới. Việt Nam trông sang Ấn Độ như một cường quốc công nghiệp IT hàng đầu trên thế giới để tìm kiếm sự giúp đỡ và ủng hộ. Việt Nam và Ấn Độ cần thành lập các liên doanh về IT, tận dụng triệt để lợi thế của Ấn Độ về phần mềm và của Việt Nam về các sản phẩm phần cứng.


Việt Nam có nhiều thứ để chào mời trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Ấn Độ trong việc khai thác thêm những cơ hội về khai thác dầu khí, điện lực, khoa học – công nghệ, và nông nghiệp. Một dẫn chứng sinh động là Tata Power đã giành được một hợp đồng 1,8 tỷ USD để xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú II ở Sóc Trăng, qua đó đưa Ấn Độ từ vị trí 40 lên vị trí 12 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Tiềm năng là rất lớn và cả hai đều cần hợp tác với nhau để khai thác những cơ hội đó.


Kết luận


Người ta đã nhận ra rằng Việt Nam tuy chậm chạp nhưng đang từng bước tăng cường can dự với thế giới bên ngoài. Nhân tố đơn lẻ quan trọng nhất, bên cạnh sự thúc bách kinh tế, đang dẫn dắt chính sách đối ngoại của Việt Nam là những cân nhắc chiến lược. Trước kinh nghiệm quá khứ cay đắng với Trung Quốc và sự quả quyết cũng như chính sách miệng hố chiến tranh gần đây của Trung Quốc khiến các nước ASEAN vốn nhỏ hơn cảm thấy bất an về ý định của người khổng lồ này, Việt Nam, giống như các nước ASEAN khác, đang củng cố quan hệ với các nước bạn bè cũ và tìm kiếm bạn bè mới. Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Sang và chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cần được nhìn nhận từ góc độ đó. Trung Quốc vẫn “nổi tiếng” vì luôn phủ nhận lập trường hiếu chiến của mình và phần còn lại của Châu Á hẳn là quá ngây thơ nếu chấp nhận điều đó. Tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản về quần đảo Senkaku, tranh chấp biên giới với Ấn Độ, những yêu sách quá lố ở Biển Đông và việc vi phạm những quy tắc ứng xử quốc tế điều chỉnh luật biển cũng như nhiều thứ khác là những tín hiệu gây lo ngại và tất cả đang thúc đẩy phần còn lại của Châu Á tìm kiếm một nền tảng chung nhằm ứng phó với thách thức mang tên Trung Quốc. Nỗ lực của họ nhằm hội nhập Trung Quốc về mặt kinh tế đã thất bại. Kết quả là phần còn lại của Châu Á, trong đó có ASEAN, đang chờ đợi Ấn Độ đóng vai trò “quốc gia kiến tạo cân bằng trong khu vực” và là một đối trọng với Trung Quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương.


Câu hỏi vẫn còn để ngỏ ở đây là: Ấn Độ đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận vai trò “quốc gia kiến tạo cân bằng trong khu vực” chưa, hay lại ưa lẩn tránh với “chính sách đẩy lùi rủi ro” chiến lược khi ứng phó với Trung Quốc? Với sự ủng hộ của Hoa Kỳ và để đáp lại kỳ vọng lớn lao từ phần còn lại của thế giới (ngoại trừ Trung Quốc), điều đáng mong muốn ở đây là Ấn Độ tiếp nhận vai trò lãnh đạo trong các sự vụ ở Châu Á. Trong khi người ta không gợi ý rằng Ấn Độ phải lãnh đạo hay gia nhập một mặt trận chống lại Trung Quốc, với tư cách một quốc gia lớn mạnh ở Châu Á, Ấn Độ không thể lẩn tránh trách nhiệm của mình để nhận ra rằng hoà bình và trật tự ở Châu Á được duy trì bởi chính sách chủ động của họ.



Nguồn: Eurasia Review / Defend the Defenders

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions