Washington Post: Hoa Kỳ tuần tra đảo – phép thử cho cam kết của Trung Quốc đối với Biển Đông

Jeremy Page | Washington Post | 12.10.2015

Lê Anh Hùng dịch





Việc bắt đầu hoạt động tuần tra “chỉ còn là vấn đề thời gian”, bất chấp cam kết bất ngờ của Tập Cận Bình ở Washington.

Sân bay đang xây dựng trên Đá Chữ Thập
Ảnh: DIGITALGLOBE/AFP/GETTY IMAGES WASHINGTON – Việc Hoa Kỳ quyết tâm thách thức Trung Quốc bằng hoạt động tuần tra gần các hòn đảo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông sẽ là phép thử đối với cam kết gần đây của Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh không có ý định “quân sự hoá” các hòn đảo này – lời tuyên bố khiến giới chức Mỹ ngạc nhiên.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cam kết trên trong cuộc họp báo với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng cuối tháng trước, mặc dù ông ta không nói rõ cam kết đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Nếu mục đích của ông Tập là ngăn ngừa Hoa Kỳ tiến hành tuần tra gần các hòn đảo nhân tạo đó thì xem ra ông ta đã không thành công. Sau hàng tháng tranh luận trong chính phủ Mỹ, người ta đã đi đến đồng thuận rằng Hải quân Hoa Kỳ cần phái tàu bè hoặc máy bay vào trong phạm vi 12 hải lý của các hòn đảo nhân tạo nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở đó – nguồn tin gần gũi với các cuộc thảo luận nội bộ cho biết.

Chủ nhật vừa qua, một quan chức Hoa Kỳ khẳng định là người ta đã quyết định về việc tiến hành hoạt động tuần tra, nhưng lại cho biết là chưa rõ thời điểm và địa điểm chính xác của các cuộc tuần tra khả dĩ. “Các cuộc tuần tra chỉ còn là vấn đề thời gian”, quan chức đó nói. Một quan chức khác của Mỹ lại cho hay hoạt động tuần tra có thể diễn ra trong ít ngày tới.


Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Trung Quốc sẽ phản ứng trước hoạt động tuần tra đó như thế nào? Họ sẽ chấm dứt kế hoạch bồi đắp đảo hay từ bỏ cam kết không quân sự hoá chúng, với cái cớ rằng hoạt động tuần tra của Mỹ là hành động khiêu khích?

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã sẵn sàng tiến hành “các hoạt động tự do hàng hải” xung quanh những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc từ nhiều tháng trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter yêu cầu đề ra các giải pháp hồi đầu năm nay. Quyết định khởi sự hoạt động tuần tra dường như đã bị trì hoãn nhằm tránh phá vỡ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung – nguồn tin gần gũi với các cuộc thảo luận nội bộ cho hay.

“Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tạo cơ hội cho Trung Quốc khẳng định rằng Hoa Kỳ là quốc gia ‘quân sự hoá’ Biển Đông và, nếu Trung Quốc muốn, những hoạt động đó là cái cớ để Trung Quốc tiếp tục quân sự hoá hoặc bồi đắp những hòn đảo mà họ chiếm đóng”, Taylor Fravel – chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Học viện Công nghệ Massachusetts – nhận xét.

Trong các cuộc trao đổi riêng với Tổng thống Obama, ông Tập không đưa ra cam kết nào về ý định không quân sự hoá các hòn đảo, những người được thông báo về các cuộc đàm phán cho biết, và các quan chức Mỹ không có thời gian ngay sau cuộc họp báo để đề nghị những người đồng cấp bên phía Trung Quốc làm rõ nội hàm của từ “quân sự hoá”.

Các quan chức Hoa Kỳ, những người vẫn đang tìm kiếm lời giải thích từ những người đồng cấp bên phía Trung Quốc, không nghĩ rằng ông Tập nhỡ lời. Tuy nhiên, sự khẳng định bất ngờ về một trong những chủ đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ lại cho thấy phong cách lãnh đạo áp đặt của ông Tập có thể khiến người ta bối rối như thế nào.

Người phát ngôn Nhà Trắng từ chối bình luận về lời lẽ của ông Tập nhưng lại đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Obama trong cuộc họp báo chung: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều động tàu thuyền, máy bay cũng như tiến hành hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.”

Hoạt động bồi đắp của Trung Quốc xung quanh các đảo đá và đá ngầm mà họ kiểm soát trên Biển Đông trong năm qua đã khiến Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ khẳng định yêu sách chủ quyền của mình bằng sức mạnh quân sự.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với tất cả các hòn đảo ở Biển Đông cùng các vùng biển tiếp giáp. Họ nói các hòn đảo nhân tạo của họ chủ yếu phục vụ hoạt động dân sự như theo dõi thời tiết hay hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, nhưng cũng sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.

Hoa Kỳ nói Trung Quốc đe doạ tự do hàng hải tại một trong những tuyến giao thương nhộn nhịp nhất thế giới và đang sử dụng cơ bắp quân sự để doạ dẫm những quốc gia láng giềng có yêu sách chủ quyền chồng lấn với họ – Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ.

Các quan chức Hoa Kỳ cho hay, trước khi cuộc gặp thượng định Mỹ-Trung diễn ra, Ngoại trưởng John Kerry đã thuyết phục các quốc gia đòi chủ quyền khác đồng ý không bồi đắp các hòn đảo mà họ đang kiểm soát ở Trường Sa nếu Trung Quốc cam kết chấm dứt hoạt động bồi đắp đảo, hoạt động xây dựng quy mô lớn và hoạt động quân sự hoá.

Tháng Tám vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mô tả đề xuất của Hoa Kỳ là “không khả thi” và loan báo Bắc Kinh đã chấm dứt hoạt động bồi đắp đảo. Tuy nhiên, những bức ảnh vệ tinh mà người ta chụp được từ bấy đến nay lại cho thấy Trung Quốc đã tiếp tục hoạt động nạo vét, xây dựng và hoàn thành một đường băng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hồi âm đề nghị bình luận về hàm ý quân sự hoá của ông Tập cũng như việc liệu ông ta có đưa ra cam kết đó trong các cuộc trao đổi riêng với Tổng thống Obama hay không.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo thường kỳ hôm thứ Sáu mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh lại nói rằng Bắc Kinh “hết sức quan ngại” về những thông tin truyền thông theo đó Hoa Kỳ có thể bắt đầu hoạt động tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nơi Trung Quốc gọi là Nam Sa.

Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải nhưng “chúng tôi cương quyết phản đối việc các nước khác xâm nhập vào vùng biển và vùng trời chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa dưới chiêu bài bảo về quyền tự do hàng hải và hàng không”, bà Hoa phát biểu.

Theo giới chức Hoa Kỳ, nước này đã tiến hành 6 cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông kể từ năm 2011, trong đó có 3 lần diễn ra xung quanh Trường Sa. Nhưng kể từ năm 2012, họ không còn tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của các đảo đá và đá ngầm mà Trung Quốc đã biến thành những hòn đảo nhân tạo.

Việc đi vào trong phạm vi 12 hải lý có ý nghĩa quan trọng, bởi theo Công ước LHQ về Luật Biển, những quốc gia có chủ quyền đối với những hòn đảo và đảo đá được hình thành một cách tự nhiên thì có quyền chủ quyền đối với vùng biển rộng 12 hải lý xung quanh.

Song cũng theo Công ước, nguyên tắc đó lại không áp dụng cho phần lớn các bãi đá chìm và nửa nổi, ngay cả khi chúng đã biến thành đảo thông qua hoạt động bồi đắp. Nguồn: Việt Nam Thời Báo

Source: Lê Anh Hùng

© 2016 About Us | Terms & Conditions