NHÀ BÁO TRONG BÀN TAY CÔNG AN

Nhà báo trong bàn tay công an
Ngô Nhân Dụng
Thursday, October 16, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85606&z=7

Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải đã bị tuyên án sau khi bị bắt về tội tiết lộ những bí mật trong cuộc điều tra vụ PMU18 của công an cộng sản. Anh Nguyễn Việt Chiến can đảm nhất định từ chối không nhận mình đã làm điều gì sai, cho nên bị 24 tháng tù, án tương đối nhẹ so với những “tội” mà công an tố cáo. Nguyễn Văn Hải cũng can đảm theo cách khác, cho nên đã nhận tội, “80 phần trăm những cáo buộc,” theo nhận xét của Luật Sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội.

Các nhà báo Chiến và Hải được dư luận bênh vực (trong đó có nhật báo này) từ khi hai anh bị bắt. Vì ai cũng biết hai anh chỉ “có tội” loan tin về những tội tham nhũng của tập đoàn PMU18 với Bùi Tiến Dũng đánh cá độ mất hàng triệu đô la, và Nguyễn Việt Tiến, thủ lãnh của Dũng. Loan báo tin tức điều tra tham nhũng là một việc phục vụ công ích; được tin phải loan tin ngay là bổn phận của nhà báo. Trước những sự việc liên can tới công ích, dân chúng có nhu cầu biết tin tức nhanh chóng, nó chiếm ưu tiên cao hơn nhu cầu tìm tòi thêm sự thật của nhà báo. Ðó là một quy tắc pháp luật ở những nước tự do dân chủ.

Nhưng ở Việt Nam, hai nhà báo Chiến và Hải đã bị Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh bắt, trước khi Nguyễn Việt Tiến được miễn tố hoàn toàn! Hai nhà báo có thể trở thành những anh hùng, nếu họ sống trong những xã hội có dân chủ. Luật Sư Lê Quốc Quân đã nhận định một cách khách quan về hai nhà báo: “Họ xuất hiện trước tòa không hiên ngang, mãnh liệt như những nhà đấu tranh dân chủ... ra tòa; bởi vì dù sao họ cũng là những đảng viên (cộng sản), đã từng ăn lương của chế độ này trong suốt cuộc đời hành nghề của mình.” Ông Lê Quốc Quân nhắc nhở chúng ta hình ảnh của những nhà đấu tranh dân chủ như các Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Ðài, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Bùi Kim Thành, vân vân. Các nhà tranh đấu này ra trước tòa án cộng sản vẫn hiên ngang vì họ nhìn thấy tòa án này không đáng gọi là tòa án, mà chỉ là một công cụ bảo vệ quyền lợi các quan chức cộng sản. Những nhà tranh đấu biết rằng khi chế độ độc tài chấm dứt thì cả hệ thống tòa án này cũng được giải phóng, không phải đóng vai tay sai của đảng cộng sản nữa.

Nhưng hai nhà báo Chiến và Hải ở tình thế khác hẳn. Họ sống với chế độ, hưởng bổng lộc của chế độ, và hành nghề dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản. Những nhà báo sống ở Việt Nam và muốn làm việc thì không thể lựa chọn cách nào khác.

Nỗi buồn của hai nhà báo Chiến và Hải là khi hăng hái dấn thân trong nghề họ tưởng rằng họ đang đóng góp vào công cuộc bài trừ tham nhũng, lạm quyền trong vụ PMU18. Nhưng sự thực thì họ hoàn toàn nằm trong bàn tay của công an, từ khi đi nghe ngóng tin tức đến khi bị bắt bỏ tù vì tội loan tin. Các nhà báo bị biến thành những quân cờ cho một nhóm công an này sử dụng để đánh hạ nhóm công an khác. Khi nhóm bị đánh quật ngược lại, các quân cờ cũng bị hy sinh, còn các quan chức công an cũng chẳng nỡ nào hại nhau sát ván!

Nếu không có chút bầu máu nóng, các nhà báo ở Việt Nam có rất nhiều cách để kiếm ra tiền một cách bình an. Chỉ việc đi khai thác những chuyện cướp của, giết người, hiếp dâm trên báo, như các tờ báo của công an đang làm. Ðọc trên trang nhất của tờ báo Công An Thành Phố ngày 4 tháng 9, 2008, thấy trong 8 tin thì có 3 tin về tội ác: Cướp giật hoành hành trên đường Tôn Ðản; Giờ “G” ở một sòng bài bên Thác Pôngour;” và Triệt phá nhiều vụ mua bán ma túy...”

Muốn hành nghề báo chí bằng việc khai thác những tin tức chống tham nhũng, nhà báo rất dễ bị công an gài bẫy. Trong vụ PMU18 sự đã rõ ràng: Ðây là một cuộc đấu đá giữa các lãnh tụ cộng sản trong Bộ Chính Trị. Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến bị trưng các bằng cớ để bêu riếu vì đó là cánh dựa vào Nông Ðức Mạnh. Báo chí thấy tin công an bắt được bọn gá bạc và đánh bạc thua tới hàng triệu Mỹ kim thì nghĩ rằng đây là một cái tin đã được đảng cho phép loan báo và tìm hiểu thêm. Chỉ cần các nhà báo ngây thơ một chút thôi, cũng đủ cho đám công an lợi dụng!

Các nhà báo Chiến và Hải đã được Tướng Công An Phạm Xuân Quắc với Thượng Tá Ðinh Văn Huynh cho tin tức về những tội lỗi của bọn Dũng, Tiến và tập đoàn. Công an điều tra cho tin, các nhà báo còn nghi ngờ gì nữa!

Nếu ở một nước tự do dân chủ thì khi bọn Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Việt Tiến quật lại hai người chỉ huy công an Quắc và Huynh, các nhà báo sẽ được coi làm vô can. Vì họ chỉ mắc tội nhẹ dạ cả tin mấy tướng, tá công an mà thôi. Trong khi hành nghề, nhà báo có lúc phải hy sinh tính chính xác để làm tin nhanh chóng; sau đó biết tin tức nào sai thì thành thật cải chính, như vậy là làm đủ bổn phận. Vì, trong một xã hội tự do dân chủ người dân có quyền được biết tin tức nhanh chóng, nhà báo phải tạm hy sinh tính chính xác để đáp ứng nhu cầu thông tin! Chính những anh Quắc, anh Huynh và những bàn tay giật dây họ mới là những người đáng bị đem “xử lý nội bộ,” vì chính họ lợi dụng đám báo chí, tung tin phá đám Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Việt Tiến và đám đàn em!

Nhưng khi bị mắc rồi ra trước tòa án, Nguyễn Văn Hải là người giữ được khí tiết nhà báo. Từ đầu tới cuối anh Hải không chịu khai nguồn gốc những tin tức mình đăng là từ đâu tới. Người làm báo có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin. Làm báo tố giác tham nhũng càng có trách nhiệm lớn phải bảo vệ bí mật cho những người đưa tin tức cho mình. Tuy bị đám tướng tá công an lừa để loan báo nhiều tin thất thiệt do chính đám công an đó tạo ra, nhưng nhà báo nhận trách nhiệm mình bị lừa nhưng vẫn giữ đúng các quy tắc nghề nghiệp, đó là một điểm son.

Không phải riêng các nhà báo dễ bị lừa và bị lợi dụng. Ðó là số phận chung của giới trí thức và chuyên môn sống trong chế độ cộng sản. Bà Ðào Duy Anh kể chuyện hồi đầu thập niên 1960, học giả Ðào Duy Anh bị cô lập và không được nhà nước cộng sản sử dụng vì ông “liên can” đến nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Trong thời gian đó, Ðào Duy Anh đã dịch một cuốn sách viết về Lão Tử, của một học giả người Trung Hoa đang sống ở Nga (tất nhiên viết theo quan điểm Mác xít). Ông đưa bản thảo cho ban Tuyên Huấn của đảng xin họ cho phép in. Bà Ðào Duy Anh kể tên cả người trong Ban Tuyên Huấn, họ nhận bản thảo rồi không bao giờ trả lời có in được hay không, mà cũng không trả lại. Mấy năm sau, thấy Ban Tuyên Huấn in một cuốn sách viết về Lão Tử với nội dung rất giống với cuốn sách mà cụ Ðào Duy Anh đã dịch (theo hồi ký của bà Ðào Duy Anh đăng trên tạp chí Khởi Hành).

Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải đã bị đám công an này sử dụng để đánh đám công an khác. Mà đó là số phận khó tránh của những nhà báo sống ở Việt Nam. Ðám quan chức cộng sản biết báo chí đang có một sức mạnh, vì người dân tin khi nhà báo vạch ra những cảnh xấu xa của chế độ. Thấy sức mạnh đó, đám quan chức cao cấp biết có thể lợi dụng để “giết” lẫn nhau!

Chữ “giết” không phải nhà báo này bịa ra, mà đọc thấy trong một bài tường thuật của một phóng viên hỏi chuyện Tướng Công An Phạm Quý Ngọ, một đối thủ của Tướng Công An Phạm Xuân Quắc. Bài này lan truyền trên Internet có vẻ trung thực vì tiết lộ nhiều chuyện chỉ có các quan lớn công an biết với nhau mà thôi. Và ngôn ngữ thì đúng là công an. Phạm Quý Ngọ gọi những quan chức cộng sản khác bằng chữ “thằng” một cách rất thân mật và trịch thượng: “Còn khai việc chi 50 ngàn USD (Mỹ kim) cho thằng Dũng... phải làm rõ việc Bùi Tiến Dũng khai thằng Toản... khi lên gặp thằng Hưng.” Phạm Quý Ngọ còn thuật lại lời của Quắc chửi mình, “Mẹ thằng Ngọ! Hôm nay nó làm tao muối mặt ở Ðảng ủy Công An Trung Ương.”

Sau khi kể lể những chuyện công an đánh phá công an, đưa phong bì cho công an một cách “vô tư thôi,” Phạm Quý Ngọ vẫn ghim mối thù năm xưa! Ông tổng kết câu chuyện PMU18: “Tôi đuổi thằng Hưng ra khỏi ban chuyên án và làm cho ông Quắc không đạt được ý đồ 'giết' thằng Oánh (Tướng Công An Cao Ngọc Oánh)... ý đồ của thằng Huynh (Ðinh Văn Huynh) muốn giết thằng Kim và bóp thằng Hóa không lên được chức cục phó cục chống tham nhũng để thằng Huynh sẽ nhẩy về đây... Cuối cùng nó làm cái chưởng này ra lệnh khẩn cấp, rồi lấy cung của con này ép thằng kia...”

Phạm Quý Ngọ còn nói: “Thằng Quắc nó khống chế và nó định đánh tôi cơ mà! Tôi xin lỗi ông, bây giờ tôi mà gặp nó tôi cầm con dao tôi đâm nó liền! Chúng nó dựng cả hồ sơ, rồi chúng nó sẽ chết, tôi xin nói với đồng chí như thế!

Ðó là mấy câu tiêu biểu trích trong cuộc đối thoại giữa Tướng Phạm Quý Ngọ với một nhà báo. Họ sẵn sàng giết nhau thật! Các ký giả ham làm tin bị rơi vào cuộc thư hùng giữa các phe tham nhũng, bị vạ cũng không biết trách ai được! Coi như một tai nạn nghề nghiệp!

Ở một xã hội tự do dân chủ thì nhà báo vẫn có thể bị lợi dụng nhưng không đến nỗi chỉ đóng vai một quân cờ hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay của công an điều khiển! Vì guồng máy cảnh sát, an ninh cũng chịu sự giám sát của hành pháp và lập pháp, không có cảnh các ông công an họp mặt ăn uống trao đổi phong bì hàng chục ngàn đô la rất “vô tư” như ông Phạm Quý Ngọ mô tả.

Trong vụ này quan tòa đã chê các nhà báo ở nước ta không làm đủ bổn phận nghề nghiệp khi nghe tin sai lầm bịa đặt vẫn đăng lên mà không điều tra lại. Nhưng nguyên nhân chính là ở chế độ. Nhà báo không có quyền tự do hành nghề thì làm sao họ có thể làm đủ bổn phận nghề nghiệp?


Vụ án hai phóng viên gây phản ứng mạnh trong giới báo chí thế giới
Trà Mi, phóng viên RFA
2008-10-16
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reporter-two-year-sentence-deals-severe-blow-to-press-freedom-10162008150341.html

Phiên toà xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải thuộc báo Tuổi Trẻ kết thúc, để lại nhiều bất bình và quan ngại cho dư luận trong lẫn ngoài nước về hiện trạng “tự do báo chí” ở Việt Nam.

Hiểu thế nảo về tự do báo chí ở Việt Nam

Ngay sau phiên toà, tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Pháp mang tên Phóng viên không biên giới (RSF) đã ra thông cáo lên án và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho cả hai ngòi bút chống tham nhũng Chiến và Hải.
Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, ông Vincent Brossel, đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thuộc cơ quan này, nhấn mạnh quan điểm của RSF về các bản án vừa được tuyên ở Hà Nội.

Ông Vincent Brossel: Trước tiên, đây là những bản án rất bất công, đặc biệt đối với ký giả Nguyễn Việt Chiến, người bị lãnh 2 năm tù chỉ vì đã có những bài viết phanh phui hành vi tham nhũng của các quan chức cấp cao trong vụ PMU 18.
Trường hợp nhà báo Nguyễn Văn Hải nhận tội để được hưởng mức án 24 tháng cải tạo không giam giữ và được trả tự do ngay tại tòa cũng dễ hiểu vì ông ta bị áp lực bởi các nhân viên điều tra và hệ thống toà án.
Nhìn chung, phiên toà này là một trở lực cực kỳ nguy hiểm cho nền tự do báo chí cũng như cho công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, vì nó là tấm gương soi khiến những tờ báo mạnh dạn hoặc những ký giả độc lập muốn phản ánh các vấn đề chính trị-xã hội hay tham nhũng trở nên dè dặt và sợ hãi trước nguy cơ bị lâm vào tình cảnh như hai nhà báo Hải và Chiến.
Trong khi đó thì tham nhũng hiện là một vấn nạn lớn tại Việt Nam. Vì vậy, phiên toà này không phải là cách thức đúng đắn để phát huy cuộc chiến chống tham nhũng như nhà nước Việt Nam hô hào.

Trà Mi: Thật ra những bản án này đã có phần giảm nhẹ so với những gì được đề nghị trước đó, thưa ông?
Ông Vincent Brossel: Có thể vì áp lực từ quốc tế hay áp lực của dư luận nội địa, vì chúng ta thấy đó có rất nhiều nhà báo ủng hộ hai bạn đồng nghiệp này. Thế nhưng ngoài hai ký giả này, tại Việt Nam còn nhiều ngòi bút khác bị án nặng hơn, 5-10 năm tù, chỉ vì những bài viết khẳng khái. Vấn đề chúng tôi muốn nói là nhà nước Việt Nam phải trả tự do cho họ chứ không thể chỉ là đưa ra án nặng hay nhẹ.

Lời cảnh cáo cho nền tự do ngôn luận ở VN

Trà Mi: Thế nhưng, theo chính quyền Việt Nam, phóng viên Nguyễn Việt Chiến đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước” và “đưa thông tin xuyên tạc kích động quần chúng”. Ông nghĩ sao?
Ông Vincent Brossel: Những lời buộc tội này thật buồn cười vì làm sao mà một người có thể lợi dụng chính cái quyền dân chủ của anh ta để cố ý gây hại cho nhà nước và Đảng, khi mà anh ta, trong cương vị một nhà báo, chỉ truyền đạt đến công luận những thông tin thu thập được từ cán bộ điều tra, nghĩa là các nguồn tin chính thống.
Dĩ nhiên là báo chí thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả từ công an. Những điều này thuần tuý chỉ là tác nghiệp chuyên môn của giới nhà báo mà thôi. Cho nên, hành động của chính quyền Việt Nam chính là sự cấm đoán, răn đe các cây bút điều tra can đảm. Những người như hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đang cố gắng thúc đẩy cho một báo chí độc lập hơn.
Và rõ ràng là phiên toà này không chỉ dành riêng cho hai ký giả ấy mà là lời cảnh cáo cho tất cả các cơ quan truyền thông báo chí nào muốn tiến tới tự do báo chí, tự do biên tập, tự do điều tra, hay đa nguyên, vốn là yếu tố chính của tự do báo chí.

Trà Mi: Vậy thông điệp chính mà Tổ chức Phóng viên không biên giới muốn gửi gắm đến chính quyền Việt Nam và cộng đồng thế giới qua bản thông cáo báo chí sau phiên toà này là gì, thưa ông?
Ông Vincent Brossel: Trước nhất, chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho cả hai nhà báo này một cách không điều kiện và hủy bỏ tất cả những lời buộc tội.
Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ tự do báo chí tại Việt Nam, lên tiếng chỉ trích việc Hà Nội cầm tù những ngòi bút can đảm, đồng thời nên gắn các nguồn viện trợ cho Việt Nam với các điều kiện về nhân quyền và tự do báo chí để giúp cải thiện những hiện trạng mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay.

Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Vincent Brossel, đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Tổ chức Phóng viên khôgn biên giới, đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.


Dư luận quanh vụ xử các nhà báo và sĩ quan công an
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-10-16
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-opinions-about-the-trial-of-journalists-and-high-ranking-police-officers-mlam-10162008154130.html

Vụ xử hai nhà báo và các sĩ quan cao cấp công an đã khép lại với những bản án được dư luận đánh giá là bất thường, không những ở cáo trạng mà còn biểu hiện trên danh xưng của bản án.
Mặc Lâm lấy ý kiến từ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ và nhà văn Võ Thị Hảo chung quanh vấn đề này mời quý vị theo dõi.

Bản án không thuyết phục
Phiên tòa xét xử hai nhà báo Nguyễn văn Hải, Nguyễn Việt Chiến, cùng với nguyên thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc nguyên cục trưởng cục cảnh sát điều tra tội phạm C14, và Đinh Văn Huynh nguyên trưởng phòng 9 thuộc C14 đã khép lại với những bản án được dư luận cho là không thuyết phục.
Ông Phạm Xuân Quắc là người bị khép tội cung cấp những thông tin cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã làm lộ bí mật công tác và bị tuyên án là có tội với mức phạt cảnh cáo. Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, là người trực tiếp theo dõi, tham gia vụ xử án cho biết ý kiến của ông về danh xưng của bản án này mà theo ông là sai nguyên tắc:
“Lẽ ra phải tuyên án vô tội nhưng làm như thế thì mất sĩ diện của cơ quan cố tình kết án ông Quắc cho nên mới đưa ra cái án phạt cảnh cáo nhưng trong thực tế hình thức cảnh cáo không tồn tại trong bộ luật hình sự.”
Thượng tá Đinh Văn Huynh đã nhận tội và thú nhận rằng mình quá tự tin vào bản thân và bản án dành cho ông là một năm tù giam. Với bản án này, hội đồng xét xử đã chú ý đến yếu tố đóng góp vào quá trình công tác cũng như thành khẩn nhận tội.
Đây là kết quả mà có lẽ chính bản thân ông Huynh không thể ngờ tới vì xét ra quá nặng nề so với những quan tham chỉ bị xử lý hành chánh trong các vụ án trước đây.
Giống với ông Đinh Văn Huynh, nhà báo Nguyễn Văn Hải đã nhận mình sai trái khi viết bài điều tra được tòa đánh giá là thành khẩn dẫn đến quyết định của chủ tọa phiên tòa Trần Văn Vy tuyên trả tự do cho ông Hải ngay tại tòa. Ông Vy cũng cẩn thận nhắc nhở các cán bộ bảo vệ tư pháp tại tòa ngay lập tức đối xử với nhà báo Nguyễn Văn Hải như một công dân bình thường.
Riêng trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến thì khác. Từ đầu phiên tòa, ông luôn xác nhận việc làm của mình là chính đáng và tất cả những bài viết của ông đều nhắm vào mục đích chống tham nhũng.
Ông khẳng định việc lấy tin từ cơ quan điều tra là hợp pháp và ông phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc của viện kiểm sát.
Luật Sư Cù Huy Hà Vũ nhận xét:
“Ông Chiến vẫn luôn luôn khẳng định mình là không có tội. Ông không có động cơ nào khác là chống tham nhũng.”

Nhà văn Võ Thị Hảo với tư cách người cầm bút nhận xét bản án dành cho hai nhà báo là không thích hợp, bà nói.
Nhận định việc quy kết tội danh đối với những bị can trong vụ án trên quan điểm pháp lý, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ cho biết:
“Tất nhiên kết quả của phiên tòa là chưa thỏa đáng. Nhất là anh Nguyễn Việt Chiến lại bị tù giam.”

Những hậu quả còn lại
Nhà văn Võ thị Hảo thì quan tâm đến những hậu quả mà bản án có thể để lại cho xã hội, đặc biệt tác động trực tiếp đến báo chí và các cơ quan điều tra:
“Răn đe báo chí theo cái kiểu này thì không những là báo chí sợ mà kể cả những người tố cáo cũng sợ, kể cả những cán bộ điều tra…”
Bản án cho thấy hệ thống luật pháp Việt Nam căn cứ trên cảm tính để xét xử hơn là dựa vào các quy định của luật pháp cũng như các yếu tố cấu thành tội phạm.
Phía sau phiên tòa luôn luôn có một cơ quan chỉ định như lời nhận xét của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ đã khiến người dân nghi ngờ tính công minh mà bất cứ phiên tòa nào cũng cần phải có.
Bản án hai năm tù giam dành cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã kết thúc giai đoạn mở cửa cho các nhà báo trong lĩnh vực chống tham nhũng trong vài năm qua.
Bản án dành cho ông Huynh cũng là tiếng chuông cảnh báo cho các cơ quan điều tra, kể cả những cơ quan cao nhất trong hệ thống phải biết tự điều chỉnh mình trong những vụ án lớn, có dính líu đến nhiều nhân vật cao cấp và chớ nên chủ quan trong việc chống tham nhũng tuy rằng việc chống tham nhũng luôn luôn được nhà nước đề cao.


BẢN BÀO CHỮA CHO ÔNG PHẠM XUÂN QUẮC
CỦA LUẬT SƯ NGUYỄNTHỊ DƯƠNG HÀ –TRƯỞNG VPLS CÙ HUY HÀ VŨ
TẠI PHIÊN TOÀ HÌNH SỰ SƠ THẨM – TAND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
MỞ NGÀY 14 /10/2008 XÉT XỬ VỤ ÁN “CỐ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC”
VÀ “LỢI DỤNG CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ XÂM PHẠM LỢI ÍCH
CỦA NHÀ NƯỚC, QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN”
http://www.viet-studies.info/kinhte/BanBaoChua_PhamXuanQuac.pdf


© 2016 About Us | Terms & Conditions