TẠI SAO TT NGUYỄN TẤN DŨNG GIAO CHO BỘ CÔNG AN SOẠN THẢO DỰ LUẬT BIỂU TÌNH ? (Nguyễn Thanh Tùng)



Tại sao Chính phủ không giao cho Bộ Tư pháp mà lại giao cho Bộ Công an soạn thảo Dự luật Biểu tình để trình Quốc hội??? Nguyễn Thanh Tùng 8/10/2011 http://www.boxitvn.net/bai/29576 Theo thông tin trên trang Boxitvn thì Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an soạn Dự thảo Luật Biểu tình để trình Quốc hội. Tôi rất phấn khởi vì đây là tín hiệu cho thấy Thủ tướng đã lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chính phủ đã có bước đi đầu tiên quan trọng để thực hiện những quy định của Hiến pháp về quyền cơ bản của công dân Việt nam “tự do ngôn luận và tự do biểu tình”. Việc này cũng chính là việc làm cụ thể của Chính phủ để tôn trọng cam kết quốc tế của mình khi đã ký vào Công ước Quốc tế về Nhân quyền “Quyền Dân sự và Chính trị”.
Tuy nhiên, ngẫm đi nghĩ lại, tôi thấy việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an soạn thảo Dự luật Biểu tình là điều hơi khó hiểu.
Có hai băn khăn sau đây mà tôi không giải đáp được cho mình:
1- Nghiên cứu kỹ chức năng và nhiệm vụ của Bộ Công an thì thấy Bộ Công an không hề có chức năng hay nhiêm vụ Soạn thảo hay Trình Chính phủ các Dự án luật, và Bộ Công An cũng không hề có chức năng và nhiêm vụ Xây dựng pháp luật. Như vậy Nếu Bộ Công an làm công việc soạn thảo dư luật biểu tình là làm không đúng chức năng và nhiêm vụ được pháp luật quy định.
2 – Bộ Công an là lực lượng giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội và là lực lượng nòng cốt làm công cụ trấn áp của Nhà nước. Vì thế, nếu Bộ Công an làm công việc dự thảo luật biểu tình thì sẽ không đảm bảo khách quan quyền tự do của công dân, từ đó sẽ dẫn đến mất nhiều thời gian đóng góp và sửa chữa cho dự thảo luật biểu tình mà lẽ ra không nên có.
Tôi tự hỏi: Phải chăng Thủ tướng giao việc soạn thảo một sắc luật bảo đảm một quyền hạn đáng ghi nhận của công dân cho Bộ Công an là làm một việc có gì như hơi trái khoáy, không biết có bao hàm một dụng ý gì không?
Qua nghiên cứu tổ chức bộ máy của Chính phủ, chức năng và quyền hạn của các Bộ trong cơ cấu Chính phủ nước ta, tôi thấy việc soạn dự thảo luật biểu tình nói riêng và các bộ luật khác nói chung (nếu Quốc hội giao cho Chính phủ soạn) nên giao cho Bộ Tư pháp vì 2 lý do sau:
1 – Theo nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ thì Bộ Tư pháp có 28 nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể trong đó nhiệm vụ và quyền hạn 1 và 5 quy định rằng:(trích trên trang web của Bộ Tư pháp): Nhiệm vụ 1: Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế và chủ trương hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Nhiệm vụ 5: Về công tác xây dựng pháp luật: a) Trình Chính phủ dự thảo chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; b) Lập dự kiến của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; dự kiến phân công cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo để trình Chính phủ quyết định; kiểm tra, đôn đốc việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình; c) Thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế; d) Tham gia xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan, tổ chức khác chủ trì soạn thảo; đ) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.
2 – Theo tổ chức bộ máy và nhân sự của Bộ Tư pháp thì ở Bộ Tư pháp có đầy đủ cán bộ đầu đàn có kiến thức và hiểu biết sâu sắc và toàn diện về mọi lĩnh vực của Hiến pháp và luật pháp ViệtNam và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó Bộ Tư pháp có một lực lượng đông đảo các luật gia và luật sư đang sinh hoạt trong Hội luật gia Việt nam tham gia hỗ trợ. Dự án luật do Bộ Tư pháp soạn thảo sẽ tưong đối toàn diện, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân và của cả bên phía các cơ quan bảo vệ luật pháp như Bộ Công an chẳng hạn. Sẽ đỡ mất nhiều thời gian sửa đi sửa lại nhiều lần.
Xin coi đây là đóng góp của cá nhân tôi, một công dân ViệtNamluôn mong muốn đất nước ta sớm trở thành một đất nước có nền pháp luật tiến bộ và xã hội của chúng ta là một xã hội dân sự văn minh, phù hợp với xu thế hội nhập với khu vực và thế giới.
N.T.T. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN . . .

© 2016 About Us | Terms & Conditions